38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

7 bí quyết để duy trì tinh thần tự học


Bạn biết không, tự học có công dụng tuyệt vời là giải phóng bạn khỏi công việc mà bạn không yêu thích, khỏi lớp học mà bạn không có hứng thú để học, và nó kỹ năng cốt lõi của thế kỷ 21 và những thế kỷ tới đó nhé!

Trong bài viết này, FiClasse sẽ chia sẻ với bạn một số cách hay ho để duy trì tinh thần tự học của mình. Hy vọng sẽ có ích cho bạn!

  1. Hiểu rõ tại sao bạn muốn học

Thật khó để tự học khi mà bạn chẳng hiểu mình học để làm gì và không có động lực để học. 

Bạn phải làm rõ lý do của mình, khiến nó trở nên thật mạnh mẽ để mỗi lần nghĩ đến là trong người bạn lại có một nguồn năng lượng trào dâng, khiến bạn yêu sự học vô cùng, khiến bạn cảm thấy thật háo hức, và bạn hạnh phúc vì cảm giác yêu việc học đó. Lý do này là thứ khiến bạn như muốn wow lên mỗi lần bạn được tiếp cận với một điều mới lạ hoặc học hỏi được điều gì đó hay ho mà bạn chưa hề biết.

Khi lý do muốn học của bạn cứ lớn dần lên, trong người bạn sẽ có sự thay đổi. Bạn sẽ chủ động tìm kiếm tri thức, thay vì chờ đợi một áp lực từ bên ngoài thúc giục bạn. 

  1. Thử thật nhiều cách học

Ít nhất 12 năm đèn sách khiến bạn bị ám ảnh bởi học là phải ngồi vào bàn, mở sách, mở vở ra, đọc và cặm cụi viết, phải ghi nhớ, phải học thuộc lòng… Suy nghĩ việc học diễn ra một cách truyền thống này sẽ là rào cản ngăn trở bạn tự học. 

Tự học hoàn toàn khác. Không có sự ép buộc nào cả. Tự học là bạn thích học và học cho chính bạn. Tự học có thể diễn ra một cách chậm rãi hoặc nhanh tùy theo khả năng của bạn. Tự học có thể học từ sách, tivi, báo chí, Internet, học từ người khác; học qua nghe, qua đọc, qua xem hình ảnh, qua xem video, qua vẽ, qua viết… Tự học diễn ra mọi nơi, mọi lúc.

Với mỗi cách học, đừng chỉ thực hiện vài lần mà đã khẳng định một phương pháp nào đó không hợp. Bạn phải dành ra vài tháng, hoặc ít nhất nửa năm thì mới có kết quả chính xác được.

  1. Học những gì bạn yêu thích

Để tự học thì trước hết, nên học những gì mình yêu thích và sát với công việc, mục tiêu hiện tại trước. Theo cách này, bạn sẽ có động lực để tiếp tục chinh phục sự tự học hơn, dù đôi khi vẫn cảm thấy chán nản. Nếu học thứ gì đó xa vời thì sớm thôi, bạn sẽ muốn dừng lại ngay đấy.

  1. Liên tục đặt câu hỏi 

Tip này “rất cũ” rồi nhưng nó luôn mới với những người ít thực hiện và luôn đúng. Khi bạn có nhiều câu hỏi trong đầu, bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. “Tại sao lại thế này?,” “Tại sao lại thế kia?”… Không còn cách nào khác, bạn buộc phải nhảy ra khỏi giường, bật máy tính lên và tự tìm tòi hoặc tìm một người nào đó giúp đỡ bạn giải đáp thắc mắc. 

Nếu bạn dễ dàng thỏa mãn với mọi thứ người khác chỉ cho bạn hoặc chấp nhận một cách hời hợt về điều bạn đã nghe, chỉ vì bạn lười suy nghĩ hay lười đặt câu hỏi thì bạn không thể nào rèn luyện tinh thần tự học được.

  1. Kỷ luật học

Kỷ luật là thứ mà nhiều người quan tâm nhất khi kể đến tự học. Bởi vì khi không có người giám sát, theo dõi dễ làm cho chúng ta “có cơ hội” lơ là, bỏ bê việc học. Tuy nhiên, nếu rèn luyện được kỷ luật thì việc tự học sẽ vô cùng hiệu quả.

Bạn có thể:

  • Đặt thời gian học mỗi ngày. Chẳng hạn, nếu mới bắt đầu tự học, bạn đặt ra mỗi ngày học 15, 30 phút, 1 tiếng…, tùy theo khả năng của bạn.
  • Lập sổ theo dõi việc học. Ngày nào hoàn thành sẽ đánh dấu hoặc sử dụng ký hiệu đặc biệt nào đấy để thể hiện nó. Hãy tưởng tượng đến cuối tuần, nhìn vào sổ thấy ngày nào cũng được đánh dấu, chắc chắn bạn sẽ vô cùng sung sướng và có động lực để duy trì học tập vào tuần sau hơn nhiều.
  • Tham gia nhóm tự học. Nhờ có Facebook nên việc tìm kiếm nhóm tự học không phải là khó. Bạn có thể tìm kiếm cho mình một nhóm phù hợp để kết nối bạn bè, chia sẻ kinh nghiệm tự học, trao đổi tài liệu, thảo luận, lấy động lực tự học và giúp nhau rèn luyện kỷ luật. Chẳng hạn như đến giờ học sẽ nhắn tin cho nhau hay sáng sẽ nháy máy nhau dậy sớm học.
  1. Ghi chép những gì đã học được

Mình rất thích ghi chép. Ghi chép và lặp đi lặp lại thói quen này giúp mình rèn luyện nhiều thứ, không đơn thuần chỉ là ghi nhớ sâu điều đã học. Bạn có thể sắm những cuốn sổ và chiếc bút thật xinh, đặt ngay trên bàn học để mỗi khi học, nếu có điều gì đó thú vị, hữu ích thì ghi chép ngay vào sổ.

  1. Chia sẻ với người khác điều bạn học được

Cảm giác biết thứ gì đó hay ho mà bạn bè chưa biết để rồi nói với họ sẽ làm bạn yêu việc học biết bao. Không phải để thể hiện rằng mình “biết hơn người” mà sự chia sẻ giúp mình hiểu mình học là có ích cho những người xung quanh, chứ không phải chỉ có lợi cho mình.

Đây là 7 bí quyết mà bạn có thể áp dụng mỗi ngày. Nghe có vẻ đơn giản nhưng chúng là chìa khóa giúp bạn luôn hào hứng học hỏi, tìm tòi. Khi 7 điều này đã ăn sâu vào người bạn, chúng sẽ trở thành “ngọn lửa” luôn cháy lên trong người bạn ngay cả khi những người khác cho rằng “chúng chẳng có ích”. FiClasse chúng bạn thành công trên con đường chinh phục tri thức và ước mơ nhé!

– Thanh Ngân –