38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

  • Trang chủ
  • Khám phá
  • [Truyện chêm] Lịch sử ra đời của chữ nổi Braille – một trong những phát minh vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại

[Truyện chêm] Lịch sử ra đời của chữ nổi Braille – một trong những phát minh vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại


(Le braille – système d’écriture tactile à points saillants pour les aveugles)

Ngày hôm nay (4/1) chính là ngày Chữ nổi thế giới (La journée mondiale du braille). Năm 2018, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức chỉ định 4/1 là Ngày Chữ nổi thế giới; là ngày nâng cao nhận thức (renforcer la connaissance) về tầm quan trọng của chữ nổi Braille như một phương tiện giao tiếp (un moyen de communication) nhằm thực hiện đầy đủ quyền con người cho những người mù hoặc mất một phần thị lực (des malvoyants et des aveugles). Ngày này cũng chính là sinh nhật của Louis Braille – người phát minh ra hệ thống kí hiệu đọc và viết bằng chữ nổi (l’inventeur du système de lecture et l’écriture en braille). Vậy nên ấn định ngày Chữ nổi thế giới vào 4/1 cũng chính là để vinh danh ông (rendre hommage à l’auteur du braille). Hệ thống chữ nổi của Braille đã mở ra thế giới ngôn từ, văn chương và âm nhạc cho người mù, làm thay đổi cuộc sống của hàng chục triệu người khiếm thị trên thế giới. Mặc dù hữu ích là thế, nhưng trước khi được chấp nhận và trở nên phổ biến trên toàn thế giới, nó đã trải qua một hành trình dài đầy thử thách, với sự đấu tranh không mệt mỏi của các học trò của Louis Braille. 

 

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1812, tại Pháp, cậu bé 3 tuổi Louis Braille, con trai một người thợ mộc, bị dùi đâm vào mắt trái (le fils d’un menuisier a été poignardé à l’œil gauche par un poinçon), vết thương bị nhiễm trùng (infecté) và lây sang mắt phải. Khi lên 5 tuổi, Braille bị mù hoàn toàn. Thế giới xung quanh cậu bé Louis Braille chỉ còn là bóng đêm. Ở đầu thế kỷ 19, số mệnh ấy mặc định dẫn đến cái nghèo đói, phải đi ăn mày kiếm sống. Thấu hiểu viễn cảnh đó và muốn tránh cho con kiếp ăn mày, bố mẹ kiên quyết bắt cậu học chữ. Ông Simon-Rene đóng đinh lên gỗ (clouer dans le bois) để cho con nhận dạng các chữ cái (reconnaître les lettres). Nhờ vậy, Braille có thể học hết bậc tiểu học ở nhà. 

Năm 10 tuổi, Braille được nhận vào học tại một trong những trường khiếm thị đầu tiên trên thế giới, Viện Hoàng gia dành cho Thanh thiếu niên mù ở Paris (L’institut royal des jeunes aveugles de Paris). Dù thị lực hạn chế, nhưng Braille khiến mọi người ngưỡng mộ về khả năng học tập và được các thầy giáo giao trách nhiệm kèm cặp các bạn đồng trang lứa. Vào thời điểm đó, hệ thống duy nhất được sử dụng để dạy cho học sinh mù đọc sách (apprendre aux aveugles à lire des livres) là hệ thống chữ được phát triển bởi Valentin Haüy, người sáng lập ra ngôi trường nơi Braille theo học. Hệ thống của Haüy có hình dạng của các ký tự đánh máy trên giấy ướt, tạo ra các chữ cái với độ nổi cao có thể cảm nhận được bằng các ngón tay và nhận dạng được (des lettres tactiles à points saillants identifiées par des doigts) . Vì kích thước lớn của chữ cái nên những cuốn sách chứa nhiều rất nhiều trang và rất cồng kềnh, mỗi quyển có thể lên đến vài cân. Tuy nhiên, số lượng từ trong sách lại rất hạn chế. Học sinh cũng không thể tự viết lại các chữ nếu họ muốn.

 

Theo The National Brallie Press, vào năm 1821, khi 12 tuổi, Braille biết đến một hệ thống chữ viết được phát triển bởi Charles Barbier, một đại úy trong Quân đội Pháp. Đây vốn là loại chữ mật cho quân đội (une cryptographie utilisée par l’armée), các chữ cái được mã hóa thành chấm đục nổi trên giấy (être codé sous forme de points saillants sur le papier). Phương pháp giao tiếp của của Barbier là một đoạn mã có 12 chấm trong 2 cột (un morceau de code composé de 12 points en 2 colonnes), được in thành một tờ giấy dày và có thể giải nghĩa qua việc cảm nhận bằng tay. Dù vậy, hệ thống của Barbier tồn tại không ít hạn chế. Nó ngăn cản việc đánh vần chính xác các từ (empêcher l’épellation exacte des mots), cũng như thiếu dấu câu và các ký hiệu dùng trong toán học cũng như âm nhạc (manquer de ponctuations, de signes mathématiques et de ceux de musique). Quan trọng nhất, kích thước của các ô và số lượng chấm khiến việc đọc trở thành một quá trình tốn nhiều công sức.

Phát minh của Barbier đã truyền cảm hứng cho cậu học trò 12 tuổi Louis Braille tiếp tục mày mò, cải tiến hệ thống chữ chấm của Barbier (perfectionner le système d’écriture nocturne de Barbier)tạo ra một bộ công cụ đọc của riêng mình (créer son boîte à outils de lecture). Ông hiểu rằng để cho người khiếm thị dễ đọc thì mỗi chữ cái phải được ký hiệu đơn giản và gọn (simple et concis), sao cho mỗi chữ cái có thể được nhận ra chỉ bằng một đầu ngón tay (lettre reconnue par un seul bout de doigt). Bộ chữ nổi của Braille đã được rút ngắn từ 12 xuống chỉ còn 6 chấm, các chấm này được sắp xếp một trong khung hình chữ nhật gồm 2 cột và 3 dòng. Tập hợp các chấm nổi/chìm trong 6 vị trí sẽ tạo ra một bộ 64 mẫu chấm hoặc ký tự khác nhau. Để phát minh ra bộ chữ này, mỗi đêm cậu chỉ ngủ chừng hai tiếng. Cậu dùng một cái dùi để ấn các chấm lên giấy (presser les points sur le papier par un poinçon), nhưng khác với Barbier, các chấm của Louis xếp dọc thành hai hàng ba, tương tự như quân xúc xắc (le dé). 2 mũ 6 là 64 họa tiết khác nhau, đủ để thể hiện không chỉ chữ cái và số, mà còn viết được cả nốt nhạc (la note de musique) các ký hiệu toán học (signes mathématiques). Chữ cái dễ nhất là chữ đầu tiên: “a” là một chấm phía trên bên trái. 

Phiên bản đầu tiên của chữ Braille sử dụng cả dấu chấm và dấu gạch ngang. Braille sau đó đã xuất bản hệ thống chữ nổi của mình vào năm 1829, và đến lần xuất bản thứ hai vào năm 1837, ông đã loại bỏ các dấu gạch ngang vì chúng quá khó đọc. Là một nhạc công organ tài năng, Braille cũng đã cải tiến phát minh của mình để nó có thể biểu thị được các nốt nhạc với mong muốn hệ thống chữ nổi của mình “đủ linh hoạt để đáp ứng các yêu cầu độc đáo của bất kỳ nhạc cụ nào”.

 

Mặc dù công trình của Braille được các học trò ngưỡng mộ và kính trọng, hệ thống chữ viết của ông đã không được dạy tại Viện Hoàng gia trong suốt những năm ông sống. Thậm chí hiệu trưởng Alexandre René Pignier của Viện Hoàng gia đã bị cách chức sau khi ông cho giáo viên dạy học sinh bằng một cuốn sách lịch sử in chữ nổi Braille. Các học sinh của Braille sau đó đã không ngừng đấu tranh để bảo vệ phát minh của người thầy quá cố. Hệ thống chữ nổi Braille cuối cùng cũng được Viện Hoàng gia chấp nhận vào năm 1854, hai năm sau khi ông qua đời. Hệ thống này sau đó đã lan rộng khắp cộng đồng các nước nói tiếng Pháp và chỉ được cộng đồng nói tiếng Anh công nhận vào năm 1932.

 

Có thể thấy, hệ thống chữ nổi Braille thật sự là một phát minh lớn với những người khiếm thị, nó được ví như ngọn lửa mà thần Prometeus ban phát cho nhân loại. Nó giúp người mù có thể trở thành giáo viên dạy cho chính người mù. Sự ra đời của chữ nổi Braille không chỉ cách mạng hóa giáo dục cho người mù mà nó còn cho phép họ giao tiếp với nhau mà không cần sự can thiệp của những người sáng mắt (permettre aux aveugles de se communiquer sans l’intervention). Helen Keller đã so sánh chữ nổi Braille như một phát minh quan trọng và nhân văn bậc nhất kể từ khi báo in ra đời, bởi nó đã thay đổi cuộc sống của nhiều người hơn – những người lẽ ra phải sống thiếu niềm vui và mất sự tự do của việc đọc và học – theo The Marginalian.

 

Tham khảo: vietnam.net, ngaynay.vn, thethaovanhoa.vn, idesign.vn

Thanh Huyền (tổng hợp)