38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

5 phương thuốc bắt đúng bệnh của những ai học tiếng Pháp mãi không giỏi


1. Gạt bỏ cái “Thôi, ngại lắm!” của người Việt

Đây là điều đầu tiên cần làm!

Không phải là vơ đũa cả nắm nhưng bạn phải công nhận rằng đa số người Việt Nam chúng ta rất dễ ngại. Học sinh không dám phát biểu trên lớp hay đưa ra đề xuất gì vì sợ các bạn chọc ghẹo mình thể hiện hoặc sợ mình phát biểu sai sẽ bị chê cười. Hoặc khi bạn cảm thấy cái gì đó hay nhưng mọi người xung quanh không đồng ý thì sẽ không dám nói vì ngại bị kì thị.

Miệng thì luôn bảo rằng thất bại là mẹ thành công nhưng khi học tiếng Pháp xong ra giao tiếp thì lại không dám nói vì ngại nói sai, bị người khác chỉnh sửa giúp thì quê chết đi được.

Một khi còn mang cái suy nghĩ nhút nhát và nỗi sợ sai ấy thì cả đời bạn không bao giờ nâng cao trình độ ngoại ngữ được. Hãy can đảm bỏ đi chiếc áo :ngại” lâu đời đó đi và bắt đầu thử thách bản thân nhiều hơn. Giao tiếp với người Pháp nhiều hơn, thi nhiều cuộc thi hùng biện tiếng Pháp hơn và bạn sẽ thấy rằng cái áo cũ kĩ đó lâu nay đã cản bước bạn thế nào trên quá trình thành thạo tiếng Pháp.

2. Chủ động học mọi lúc mọi nơi

Ngoài nội dung bài học tại các trung tâm hoặc trên trường thì bạn còn có thể tự mua sách về nhà nghiên cứu thêm. Khi đến lớp, thay vì ngồi yên ra đấy chờ thầy cô nói gì chép nấy với cái đầu rỗng tuếch thì bạn đã sở hữu lượng kiến thức kha khá, chỉ cần hỏi giảng viên về những phần mà bạn còn khúc mắc nữa thì chắc chắn bạn sẽ tiếp thu bài nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều.

Một phương pháp cổ điển khác là bạn có thể sử dụng các giấy sticker và dán ở những nơi thường hay lui tới nhất trong nhà để tăng tần suất “va chạm” với các từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp mới.

Nếu cảm thấy mang sách vở thật bất tiện thì các phần mềm trên máy tính cũng như điện thoại thông minh sẽ là cánh tay phải đắc lực của bạn trong việc giúp bạn học tiếng Pháp ở bất kì lúc nào và bất kì đâu: một ứng dụng học tiếng Pháp nổi tiếng là Fantastique, có cả trên Appstore và Google Play

3. Học Pháp phải đi đôi với hành Pháp

Nếu chỉ bám víu bằng cách học thuộc lòng các bài giảng trên lớp thì muốn nâng cao trình độ tiếng Pháp của bạn là một điều bất khả thi.

Vì bộ não con người cũng như các cơ quan khác, không vận động thì nó sẽ trở nên lười biếng và hậu quả là kiến thức mà bạn nhồi nhét bấy lâu bị xóa sạch. Bạn không muốn điều đó xảy ra chứ? Vì vậy phải thực hành thật nhiều vào để ngăn chặn việc này.

Tìm và kết cho mình một người bạn Pháp bởi với sự phổ biến của mạng xã hội ngày nay thì điều này là hoàn toàn khả thi. Nói chuyện với họ thật nhiều vào và người bạn đó sẽ giúp bạn nhận ra cách phát âm, từ vựng và thậm chí là cách hành văn.

Mặt khác khi bắt gặp ai, cái gì, con gì thì hãy đặt ngày cho mình câu hỏi: “cái này bên tiếng Pháp thế nào?”.

Cam đoan rằng với tần suất thực hành nhiều bằng các phương pháp nêu trên thì việc học tiếng Pháp hiệu quả chỉ là chuyện nhỏ.

4. Nghệ thuật hóa Tiếng Pháp

“Ối giời ơi, sao nhiều từ lạ thế này!!!” là câu mà bất kì ai cũng sẽ thốt lên khi học một bài mới.

Ai cũng biết tiếng Pháp là ngôn ngữ của nghệ thuật, vậy thì hãy nghệ thuật hóa nó để thấy yêu nó hơn! Đừng chỉ mãi ghim mắt vào đống chữ khô cằn trong sách mà hãy đọc một quyển truyện cười song ngữ, vừa giải trí vừa nhớ từ vựng nhanh hơn. Thay vì học thuộc các đoạn hội thoại của giảng viên thì hãy xem 1 bộ phim (có sub nhé, nếu không là hoảng đó) sẽ cho các bạn nhiều kiến thức và yêu thích việc học hơn. Hãy nghe một bản nhạc để thẩm thấy chất lãng mạn đặc trưng củ Pháp và ngưng cau có khi có người nhận xét tiếng Pháp nghệ thuật lắm mà học có thấy gì ngoài đực với cái đâu.

Nên nhớ khi thay đổi cách nhìn về một cái gì đó, nó sẽ thay đổi.

5. Nghe – nói – đọc – viết

Thử quan sát một đứa bé bập bẹ nói những từ tiếng Việt đầu tiên xem, bạn sẽ thấy điều gì? Đầu tiên, nó phải nghe người lớn xung quanh nó nói trước, lâu dần nó sẽ ghi nhớ và cố phát âm cho bằng được những gì đã nghe. Kế đến, nó mới có khả năng đọc thành câu sau khi đã thành thạo nói từng từ riêng biệt và cuối cùng là viết ra được những gì nó đọc. Quá trình đó cũng chính là quá trình chuẩn để bạn học tiếng Pháp.

Bước đầu, hãy tập nghe khi bạn có thể. Không nhất thiết phải là bài giảng hay nghe phải hiểu hết, đơn giản chỉ là nghe và nghe thật nhiều, kể cả khi ngủ. Đến cột mốc nào đó, tiếng Pháp đã đi vào tiềm thức của bạn. Lúc này, bạn mới bắt đầu tập nới và nhận ra rằng mình có thể nói từ đó mặc dù không hiểu và chưa từng gặp bao giờ. Thực chất, bộ não đã thúc đẩy bạn nói ra câu đó vì nó đã biết rồi. Khi nói được từng chữ, cũng là thời điểm bạn bắt đầu tập đánh vần và đọc cả câu trọn vẹn.

Cuối cùng là hoàn thành cả một đoạn hay bài luận bằng tiếng Pháp.

Hi vọng 5 bí quyết trên sẽ là hành trang hữu ích trên con đường đến với tiếng Pháp và ước mơ du học Pháp!

– Sưu tầm-