38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Từ vựng tiếng Pháp chủ đề quản lý thời gian


Đã bao giờ bạn rơi vào tình cảnh chuông điện thoại reo (le téléphone sonne), ấm nước sôi réo (la bouilloire est en ébullition), đứa trẻ trong nôi đang khóc nức nở (le bébé dans le berceau sanglote), còn con chó chết tiệt thì đang ra sức cào chiếc ghế sofa (Et le putain chien essaie de gratter le canapé)? Và bạn có bao giờ trách rằng tại sao một ngày chỉ có 24 tiếng chưa? Nhưng bạn đã lầm, bạn bị quá tải (être débordé) không phải bởi một ngày có quá ít thời gian mà chỉ đơn giản là vì bạn chưa làm chủ nó. Hãy để Fi mách bạn 1 số cách (astuces) để sắp xếp thời gian hiệu quả (bien organiser le temps) nha!

Nhưng khoan hãy đi tìm cách, chúng ta cần thực sự biết tại sao phải quản lý thời thời gian đã. Nhìn chung, thời gian là nguồn lực đặc biệt (une énergie particulière), bạn không thể lưu trữ (garder en stock) hay tiết kiệm (économiser) để ngày mai mang ra dùng được. Mỗi người chỉ được nhận một lượng thời gian như thế, nếu lãng phí thì sẽ không thể lấy lại được. Ngoài ra, thời gian chính là phương tiện (un moyen) để chúng ta đạt được những gì mình muốn trong cuộc sống và chứng minh bản thân mình. Chúng ta chỉ thành công nếu biết làm chủ thời gian (On peut réussir la vie seulement si on contrôle bien le temps). Và từ đó, chúng ta sẽ tạo ra được những giá trị riêng của mình (créer notre propre valeurs).

Thường thường, chúng ta sẽ thấy có 2 cách dùng thời gian vô cùng sai lầm. Thứ nhất, họ luôn phung phí thời gian (gaspiller du temps), không coi trọng nguồn lực này. Đối với họ, luôn tồn tại khái niệm giết thời gian (tuer le temps, hay trong tiếng anh gọi là while away the time). Họ không tìm ra những thứ ý nghĩa để làm, hoặc dành thời gian cho quá nhiều thứ vô bổ, không có giá trị cho việc nâng tầm giá trị bản thân. Còn kiểu dùng thời gian sai lầm thứ hai, đó là người nghiện công việc (bourreau de travail), họ làm quá nhiều, làm đến nỗi kiệt quệ cơ thể, chân tay không được nghỉ ngơi. Nhìn vẻ bề ngoài, chúng ta dễ bị lầm tưởng rằng họ rất quý thời gian, họ không muốn bỏ bất cứ một giây nào để làm việc. Nhưng những người ấy mới chính là những người không biết quản lý thời gian của mình. Họ luôn bị quá tải, không kiểm soát được công việc, hoặc bị cuồng việc phải luôn chân luôn tay hoạt động. Bất chợt đến một ngày, họ lăn quay ra ốm đau, nằm trên giường bệnh, họ lại tự trách mình rằng : «Ôi không, mình ốm, mình nằm thế này chẳng khác nào mình phung phí thời gian». Họ cứ lo lắng như vậy, biết đến khi nào bệnh tình mới tiến triển được đây?

Nói tóm lại thì việc phung phí không suy nghĩ, hay việc sợ thời gian trôi mà đâm đầu vào làm thì đều tệ như thế cả thôi. Thứ chúng ta phải học để thành công là làm thế nào sử dụng thời gian hợp lý. Vậy thì Fi sẽ chỉ giúp các bạn một vài cách đơn giản để góp phần làm điều đó nha!

1. Tìm ra giờ ‘năng suất’ (Trouver le moment ‘productif’):
Cơ thể chúng ta không thể lúc nào cũng làm việc một cách năng suất, có những người rất tập trung vào buổi sáng, cũng có người lại siêu tỉnh táo vào buổi tối, chẳng ai giống nhau cả. Vì vậy, hãy tìm ra thời gian làm việc tốt nhất trong ngày và làm những điều quan trọng vào thời điểm đó.

2. Tạo danh sách việc cần làm (liste d’affaires):
Việc tạo một danh sách các việc cần làm trong ngày là một việc tối thiểu để xác lập mục tiêu, hơn nữa nó còn giúp ta không quên, không bỏ sót điều gì. Hãy thiết lập ưu tiên cho các mục tiêu (définir la priorité des tâches), đừng nên ham nhiều việc, viết lấy viết để vào list, hãy cẩn thận việc chúng ta không hoàn thành được hết các việc sẽ sinh ra thất vọng về bản thân (être déçu de soi). Và còn nữa, hãy ấn định thời hạn (fixer les délais) cho từng việc để không bị dồn hết vào cuối ngày nha.

3. Tập trung (Se concentrer):
“Faites une seule chose à la fois”
Hãy chỉ làm một việc vào một thời điểm, đừng ham hố, và đừng nghĩ làm nhiều việc cùng một lúc (multitâches) sẽ giúp ta tiết kiệm thời gian. Việc đó chỉ khiến ta bị phân tán sự tập trung, có khi dẫn đến sôi hỏng bỏng không cũng nên :))

4. Nói không với những điều không cần thiết (Dire non aux choses inutiles, pas nécessaires):
Nếu giúp người khác quá nhiều, người ta sẽ liên tục nhờ vả, ngay cả khi họ có thể làm, và thậm chí cả khi bạn không sẵn sàng. Giúp đỡ người khác là tốt, nhưng hãy thận trọng khi người ta đang cố tình đánh cắp thời gian của bạn (voler votre temps). Hơn nữa, hãy ngừng quan tâm đến những điều tiêu cực, nhất định phải bảo vệ được năng lượng của mình (protéger votre énergie).

5. Làm việc thông minh hơn, không phải chăm chỉ hơn – Travailler plus intelligemment, pas plus dur:
Đừng nên chỉ đâm đầu vào làm và làm. Hãy dành thời gian để nhìn lại (revoir), để đánh giá những việc mình đã làm (évaluer ce qu’on a fini), xem rằng mình có thể làm tốt hơn không, và rút những kinh nghiệm cho lần tới (apprendre des expériences).

6. Dành thời gian cho bản thân (Prendre du temps pour soi):
Hãy yêu bản thân! Làm ơn hãy yêu bản thân! Làm việc thì làm nhưng chúng ta nhất định phải dành chút thời gian nuông chiều bản thân. Hãy dành những khoảng thời gian để làm những thứ mình thích (đi ăn, xem phim, chơi nhạc cụ, chơi thể thao, thậm chí là chơi game,…) để nghỉ ngơi (se détendre), để nạp năng lượng (recharger la batterie) và tìm những cảm hứng mới (trouver de nouvelles inspirations). Việc này thực sự rất có ý nghĩa đấy.

Trở lại câu hỏi ban đầu, các bạn biết đấy, biết quản lý thời gian không có nghĩa là hoàn thành xuất sắc tất cả các việc mình có bởi chúng ta không phải siêu nhân. Quản lý thời gian hiệu quả ở đây chính là việc chúng ta biết ưu tiên cho việc gì quan trọng hơn. Nếu như bạn gặp quá nhiều việc gấp cần giải quyết cùng một lúc thì bạn chính là đang gặp khó khăn trong quản lý thời gian đó.

Nói tóm lại, việc quản lý thời gian (la gestion du temps) không phải ngày một ngày hai là ổn, chúng ta cần xây dựng và duy trì nó một cách đều đặn, người ta cần ít nhất là 21 ngày để hình thành một thói quen cơ mà. Hãy luôn ngủ đủ giấc, không quá nhiều và đặc biệt là không được quá ít và xây dựng cho mình một tâm hồn đẹp nha :))

– Ánh Tuyết –