38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

THPT Quốc gia 2020 và kế hoạch ôn thi cấp tốc từ 1 “siêu cao thủ”


Chào mọi người, Ánh Tuyết lại được lên sóng FI, trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ những trải nghiệm của bản thân về một thứ gọi là “kế hoạch ôn thi cấp tốc”.

Ui cha mẹ ơi, nếu còn thời gian học thì học ngay đi nhé, đừng để nước đến chân mới nhảy, cái kế hoạch này chỉ được vạch ra vì hết thời gian rồi thôi. Nói trước với mọi người như vậy để tránh hiểu lầm là tôi tuyên truyền mọi người nên học vội trước thi. Nô nồ nố.

Okay, kế hoạch này được vạch ra vào đêm ngày 12/7, với 2 lý do chính: hổng nhiều chỗ do quãng thời gian ôn thi đội tuyển QG (môn toán phần phương trình mũ và loga siêu mơ hồ, chẳng thể nhớ đạo hàm của hàm loga là gì, môn văn có rất nhiều tác phẩm còn chưa hề đọc văn bản, hơi xấu hổ nhưng phải thú nhận là thế) và quá đen để học tủ (từ trước đến giờ linh cảm vào bài nào để ôn tủ là chắc chắn lần đấy ăn cám, thôi học hết cho nó lành). Kế hoạch này được dựa trên phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận Điện Biên Phủ năm 54 ? chém tý hihi. Cụ thể như sau:

1. Với môn Văn, Tuyết sẽ chia ngày ngày học bài này, ngày kia học bài kia, không nôn nóng, hốt hoảng mà dồn hết vào cùng một lúc. VD: 13/7 chỉ học “Tuyên ngôn Độc lập” thì chỉ học bài đó, phân tích chi tiết từng đoạn. 14/7 học “Tây Tiến” cũng học phân tích kỹ từng đoạn, từng hình tượng trong văn bản,… 19/7, sau khi đã học xong 3 tác phẩm đầu thì sẽ tự động mở ra ôn lại đúng 3 tác phẩm này, lần này ôn qua qua, nắm được ý để phân tích là ok. Tiếp tục xử lý các bài khác tương tự, nhất định không vội vàng. Ngoài tranh thủ xem bài giảng trên youtube, tôi còn nghĩ ra trò mới: đọc một bài mẫu, thu âm rồi trước khi đi ngủ và sáng ngủ dậy sẽ mở lên để nghe (coi như thay nghe nhạc luôn). Khi ngồi vào bàn học, trong lúc nghe đoạn đó sẽ lấy giấy bút vẽ sơ đồ ý chính theo dòng chảy của đoạn ghi âm đang nghe.

2. Toán với Pháp (môn tôi thi) thì cũng không cần quá gắt gao, bởi 2 môn này đều dựa trên kiến thức tích lũy trong thời gian dài, thỉnh thoảng rảnh rảnh thì kiếm đề ngồi làm để luyện kỹ năng xử lý bài thi thôi. Chỗ nào quên thì bồi chỗ đó, điều quan trọng là giữ được tâm lý bình tĩnh để đầu óc tỉnh táo, không quên hay nhầm những thứ lặt vặt.

3. Tôi dành 3 ngày cuối để ôn Sử, Địa, CD hòng mong ước trên điểm liệt, tôi không có ham hố giành điểm cao mấy môn này đâu nha. Tôi lên youtube search “Chống liệt sử”, và tìm được những video rất hay, kiến thức được tổng hợp rất ngắn gọn, chỉ cần nắm được sơ sơ là trên điểm liệt, thích mê luôn. Môn Địa thì nhờ có atlas thần thánh mà mọi chuyện trở nên thật đơn giản, còn GDCD à… hãy chuẩn bị một nhân phẩm tốt để đi thi là kiểu gì cũng điểm cao.

Nói tóm lại là như này, mỗi ngày đều phải lập ra một cái “to – do list” xác định rõ ràng phải hoàn thành nhiệm vụ gì trong hôm đó, và nhất định phải hoàn thành đấy nhé! Tìm được động lực học hành chưa phải là xong, chúng ta phải biết xây dựng cho mình cái gọi kỷ luật. Rất nhiều người có thói quen trì hoãn, “để mai tính” và nghĩ rằng hôm nay chơi nốt ngày mai sẽ chăm chỉ học bù. Nhưng nếu cứ tiếp tục giữ thói quen này, thời gian cứ thế trôi đi, càng những ngày cuối, chúng ta sẽ càng cuống: “Ôi còn nhiều thứ phải học quá”, và hiển nhiên ta sẽ bị lực đè nặng. Nhiều người sẽ thức ngày thức đêm để cày bù dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, cũng có người buông luôn, vì cố cũng chẳng kịp. hoảng quá mà. Ý ở đây có nghĩa là không cần quá vội vã nếu chúng ta còn một chút thời gian, điều quan trọng là phải lên kế hoạch tác chiến hợp lý, chớ dục tốc bất đà và đặc biệt phải tuân thủ đúng kế hoạch mình đặt ra. À, còn phải biết ăn chơi ngủ nghỉ đầy đủ nha. Tôi là tôi vẫn cày phim bình thường mà, không phải áp lực quá đâu. 

Tips nhỏ đẩy lùi bệnh trì hoãn:

+ Quy tắc 5 giây: Mỗi khi phải làm một điều gì đó mà bản thân không thích, hãy nhẩm đếm ngược trong đầu: 5, 4, 3, 2, 1 và ngay lập tức bắt tay vào làm nó. Não chúng ta mỗi khi thấy sự đếm ngược đều có phản ứng cần hành động ngay (giống như khi bom hẹn giờ gần hết thời gian, ta sẽ phải chạy đi tìm chỗ an toàn, hay là việc các vận động viên nghe hiệu lệnh đếm ngược đều chuẩn bị tâm lý thi đấu ngay,…)

+ Chia blocks thời gian phù hợp với năng suất của mình: Ví dụ, với Tuyết sẽ có 3 blocks thời gian làm việc năng suất trong ngày: 8h-11h sáng, 2h30-5h30 chiều, 8-10h tối. Chúng ta sẽ định danh công việc cho từng block để không thấy việc chúng ta bị nhiều và thời gian làm việc không bị dài.

+ Mọi người cũng có thể lên mạng tham khảo phương pháp Pomodoro để tăng năng suất việc làm của mình nha.

Thôi xàm xí tý thôi, mọi người đọc để sống lại cảm giác thi Đại học nha. Chúc mọi người luôn làm việc hiệu quả và chăm sóc sức khỏe thật tốt.

Bisous.

– Ánh Tuyết –