38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

[THPT QG] Những lưu ý trong phòng thi để hoàn thành tốt bài trắc nghiệm tiếng Pháp THPT QG


Những ngày ôn thi nước rút như thế này có khiến các bạn lo lắng không? Không sao đâu, sẽ ổn thôi, mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với những bạn chuẩn bị cẩn thận. Để giúp các bạn thuận lợi trải qua kỳ thi 18 năm “chờ đợi” này, Fi Classe đã tổng hợp những lưu ý vô cùng quan trọng các bạn cần nhớ khi ngồi trong phòng thi bao gồm lưu ý chung và lưu ý các nội dung trong bài thi. 

Hiện chúng ta đang trong giai đoạn ôn thi nước rút rồi nên các bạn có thể áp dụng ngay các chiến thuật này khi làm bài luyện để cho quen. Ngoài ra, bài viết này tuy là dành cho môn ngoại ngữ, cụ thể là môn tiếng Pháp nhưng nhiều chiến lược ở đây có thể áp dụng sang các môn khác các bạn nhé.

I. Lưu ý chung:

1. Quan sát tổng thể bài thi:

Khi nhận bài thi, đừng vội vàng cắm cổ làm bài ngay. Việc đầu tiên bạn cần làm đó là quan sát tổng thể đề thi, từ trang đầu cho đến trang cuối cùng. 

Thứ nhất, việc này sẽ giúp bạn phát hiện những lỗi in, lỗi giấy (in thiếu đề, giấy thi rách, hỏng, mực mờ…) của đề thi, … Nếu rơi vào trường hợp đó, bạn cần yêu cầu giám thị cho đổi bài thi khác, tránh trường hợp làm bài một hồi lâu mới nhận ra lỗi sai, rất mất thời gian. 

Thứ hai, cũng giống như trong các hoạt động thể thao, việc đầu tiên ta cần làm là khởi động, vậy việc nhìn tổng thể đề thi chính là bạn đang khởi động cho não. Khi nhìn lướt qua các mảng kiến thức trong đề, não sẽ hình dung và huy động những kiến thức bạn đã tích lũy trong suốt thời gian dài. Sau đó, khi bắt tay vào làm từng câu, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

À, nhớ là sau khi nhìn tổng thể đề thì cần điền thông tin đầy đủ vào phần phách nhé. Điều này đơn giản vậy thôi nhưng kỳ thi nào đọc báo hoặc nghe kể cũng thấy có người quên. Khi đang căng thẳng, tập trung vào bài thi đôi khi sẽ quên những thứ ngớ ngẩn như thế đấy, không ai biết trước được điều gì. Mà những rắc rối nhỏ này đôi khi lại là nguyên nhân khiến bạn luống cuống.

2. Chiến thuật tô trắc nghiệm:

Có hai cách tô trắc nghiệm chính : làm đến đâu tô đến đấy và làm xong hết rồi tô một thể. Xét về độ an toàn, Fi Classe khuyên bạn nên chọn cách thứ nhất. Bạn không thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra đâu : nếu làm theo cách hai, có thể bạn sẽ tô lệch/bỏ qua/tô 2 ô cùng một dòng… và tất cả các ô phía dưới bị ảnh hưởng, hoặc có thể lúc gần hết giờ làm bài, bạn mới vội vã bắt đầu tô nhưng chẳng may không kịp giờ và bạn mất hoàn toàn điểm những câu bỏ trống. Thế nên là hãy lựa chọn cách an toàn : làm đến đâu tô đến đó.

Ngoài ra, còn một vài lưu ý nho nhỏ nhưng rất quan trọng: không nên gọt bút chì quá nhọn, đã tô phải tô hết, tô kín ô đó để chắc chắn rằng máy sẽ nhận đáp án của bạn…

3. Lựa chọn điểm bắt đầu:

Nếu mọi thứ đã ok, hãy bắt đầu làm bài thôi. Bạn sẽ chủ động chọn phần nào mình muốn làm trước để bắt đầu. Việc làm tuần tự từ câu đầu đến câu cuối là điều không cần thiết, hãy cho não được đặc quyền lựa chọn thứ mà nó thích để làm trước, như vậy nó sẽ hào hứng và làm việc tốt hơn rất nhiều.

Khi “phỏng vấn” các học viên về thứ tự các phần các bạn ấy chọn khi làm bài, Fi Classe nhận thấy hầu hết các bạn sẽ không làm phần đọc hiểu đầu tiên. Một bạn lý giải như sau: “Nếu em đi thi mà gặp phần đọc hiểu đầu tiên, em sẽ bỏ qua ngay, kéo xuống phần dưới làm phần liên quan đến kiến thức ngôn ngữ, sau khi làm xong phần mình thích, em sẽ quay lại làm các phần khác. Em cảm giác khi ấy não mình rất phấn khích, hoạt động tích cực hơn”.

4. Sắp xếp thời gian làm bài:

Về thời gian làm từng phần, đơn giản bạn hãy làm theo năng lực của mình, theo thế mạnh của mình, không cần phức tạp hóa vấn đề. Tuy nhiên cần kiểm soát để không mất thời gian quá nhiều cho một câu mình không chắc, khi ấy cần tạm bỏ qua để tiếp tục làm những câu khác.

Về tổng thể thời gian, Fi Classe biết với nhiều bạn, thời gian quy định có vẻ là nhiều hơn so với thời gian chúng ta cho là cần thiết để hoàn thành bài thi. Nhiều bạn làm “xong” bài sẽ ngồi “vểnh râu” ngắm nghía mọi thứ xung quanh hoặc lăn ra ngủ. Nhưng bạn có chắc rằng bài làm của mình là đúng hết? Nếu bạn là thiên tài, cứ tiếp tục làm những điều bạn đang làm. Còn nếu bạn là những sĩ tử với mong muốn, khao khát gặt hái được số điểm cao nhất có thể, hãy sử dụng thời gian một cách thông minh, người ta đã cho mình thì tội gì mình không tận dụng triệt để để tối ưu hóa chất lượng bài làm.

Lời khuyên ở đây cho bạn là nên chia nhỏ thời gian thành 3 phần và thực hiện việc làm bài theo quy trình 3 vòng:

  • Vòng 1: Làm toàn bộ những câu dễ với mình trước, câu nào khó đánh dấu bỏ lại.
  • Vòng 2: “Xắn tay áo” xông pha vào những câu khoai mà nãy chưa “thèm” làm.
  • Vòng 3: Kiểm tra tổng thể cả bài thi.

Trước khi kết thúc mỗi vòng và chuyển sang vòng tiếp theo, nhớ nhìn lại 1 lần thành quả của mình nhé. Từng vòng có ý nghĩa như thế nào, cụ thể nên làm gì, các bạn kiên nhẫn đọc tiếp những giải thích dưới đây nhé.

Lưu ý nhỏ: 

+ Về nhịp độ làm bài ở vòng 1, đây là bạn đang làm những câu dễ trước, nhưng cũng đừng vì thế mà chủ quan. Không hấp tấp cũng không ề à. Bí quyết là nghĩ nhanh nhưng đặt bút từ từ.

+ Khi làm xong vòng 1, để thúc đẩy tinh thần, bạn có thể ngồi đếm số câu mình đã làm được, áng chừng mình đang được khoảng bao nhiêu điểm. Hành động nho nhỏ này rất có tác động đến tâm lý của ta, ta sẽ cảm nhận đã gần hoàn thành bài làm, chỉ cần cố gắng một chút nữa là đỗ.

5. Kiểm tra lại bài:

Trước khi đi thi các thầy cô luôn nhắc ra rả vào tai bạn về tầm quan trọng của việc kiểm tra lại bài làm, tuy nhiên kiểm tra như thế nào thì hiếm thầy cô nào dạy cẩn thận. Để tối ưu hóa điểm số, Fi Classe khuyên các bạn nên kiểm tra ít nhất 2 lần theo chiến lược như sau:

  • Khi nào nên kiểm tra lại lần đầu tiên? Trong quá trình làm bài, hãy chủ động kiểm tra lại NGAY SAU KHI hoàn thành xong mỗi phần (phần đọc hiểu, phần kiến thức ngôn ngữ, phần điền từ…). Đây được xem như lần kiểm tra lại bài đầu tiên. Cách kiểm tra từng phần một như thế này sẽ khiến não ta không bị xao nhãng, bị lười. Khi kiểm tra bài, hãy đặt tâm thế đây là lần đầu tiên mình làm câu này, suy luận đáp án lại từ đầu, không bị ảnh hưởng bởi đáp án lựa chọn trước đó.
  • Lần kiểm tra thứ 2 diễn ra lúc nào? Sau khi bạn hoàn thành vòng 2, tức là khi bạn đã tô hết các đáp án vào phiếu trắc nghiệm, bạn hãy chủ động cho não và cơ thể thư giãn một chút. Hãy tạm đặt bút xuống, hít thở thật sâu, uống từng ngụm nước nhỏ để cấp oxy cho não. Hãy hướng mắt ra không gian xung quanh (nhưng đừng làm gì vi phạm quy chế thi nhé), cho não bay nhảy và tạm quên đi bài thi. Sau khoảng 5 phút, huy động não quay lại làm việc, khi ấy não sẽ phục hồi sự tập trung, sẵn sàng hoàn thành lần kiểm tra tổng thể cho cả bài thi.

Bây giờ bạn cần đặt tâm thế của mình là giám khảo chấm bài cho thí sinh, chấm từng câu một cách cẩn thận nhưng lại nhanh chóng. Sau đó, bạn sẽ tự chấm điểm cho mình.

Ngoài ra, nếu bạn cẩn thận hơn, bạn có thể kiểm tra lại lần 3, nhớ là kiểm tra cả phiếu tô trắc nghiệm xem có tô nhầm ở đâu không nữa nhé.

II. Lưu ý các nội dung trong bài thi:

Dựa vào thống kê thực tế từ các bài làm của học sinh trong khi luyện thi, Fi Classe nhận thấy có một số lỗi hay gặp nhất. Từ việc phân tích nguyên nhân các bạn gặp những lỗi đó, Fi Classe tổng hợp lại trong bài viết này để giúp các bạn “tránh bẫy” ngoạn mục nhé.

Điều này cũng nhắc nhở các bạn, trong quá trình ôn 10 hoặc 20 đề (đọc lại bài “…”), hãy thống kê các lỗi của mình để tìm cách khắc phục trước khi bước vào phòng thi nhé. Nếu có các lỗi mà bài viết chưa đề cập, các bạn liên hệ trực tiếp với fanpage để Fi Classe tiếp tục tổng hợp và giúp các bạn đưa ra giải pháp nhé.

1. Về câu đồng nghĩa và trái nghĩa:

Vấn đề :

Quan sát các đề thi, dễ thấy các câu đồng nghĩa, trái nghĩa thường đứng gần nhau, có khả năng khiến chúng ta gặp phải một lỗi rất ngớ ngẩn : đề bài yêu cầu tìm từ trái nghĩa thì lại đi tìm từ đồng nghĩa hoặc ngược lại.

Ví dụ : Ta có 2 câu đồng nghĩa, trái nghĩa đứng gần nhau trên một bài thi

Câu 36 : Tout d’un coup, on a entendu un bruit violent.

Le synonyme de l’adjectif « violent » dans cette phrase est ___

  • Doux B. léger C. terrible D. mélodieux

Câu 37 : J’aime surtout les sports individuels.

L’antonyme de l’adjectif « individuel » dans cette phrase est ___

  • Commun B. propre C. personnel D. collectif

——————————————

Khi làm với một tốc độ nhanh, rất nhiều bạn gặp phải lỗi quán tính : bạn quên không để ý đề bài câu 37 yêu cầu tìm từ trái nghĩa, chỉ quan tâm đến từ khóa là « individuel » và tìm từ đồng nghĩa giống như câu 36 phía trên. Chính vì thế các bạn này sẽ chọn đáp án A trong khi đáp án chính xác phải là D. Như ví dụ phía trên các bạn rất dễ sập bẫy vì các lựa chọn được đưa ra bao gồm cả từ đồng nghĩa và từ trái nghĩa.

Cách giải quyết :

Ngay khi bắt đầu làm những câu này, việc bạn cần đó là gạch chân hoặc khoanh tròn vào yêu cầu « synonyme » hay « antonyme » (hoặc những từ mang nghĩa tương tự) của đề bài. Một bước nhỏ này thôi sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc làm chủ sự bình tĩnh và tỉnh táo của mình, tránh lỗi sai ngớ ngẩn do quán tính khi làm bài.

2. Về câu trực tiếp, gián tiếp:

Vấn đề :

Trong các câu hỏi về kiến thức ngữ pháp này, ta thấy sẽ có nhiều đáp án gây nhiễu rất giống nhau, dễ làm chúng ta bị loạn.

Ví dụ :

Câu 17 (Đề 904 – năm 2018) : « La femme à son mari : – Qui est-ce que tu invites à la maison ? » correspond à « ___ »

  • La femme a demandé à son mari qui l’invitait à la maison.
  • La femme a demandé à son mari d’inviter quelqu’un à la maison.
  • La femme a annoncé à son mari qui elle invitait à la maison.
  • La femme a demandé à son mari qui il invitait à la maison.

——————————————

Mới nhìn thoáng qua các lựa chọn thì sẽ hơi loạn đúng không. Vậy thì làm sao để hết loạn?

Cách giải quyết :

  • Trước khi đọc các lựa chọn phía dưới, bạn cần xác định chủ ngữ, động từ, đại từ trong câu dẫn và câu được trích dẫn. Sau đó gạch luôn lựa chọn sai. đáp án sai phần dẫn là như nào nhỉ. Ý là xác định xong thấy sai thì gạch luôn đúng k?
  • Sau đó quan sát các đáp án, so sánh các động từ chia, đại từ, tính từ sở hữu… Từ đó chọn ra đáp án “có vẻ đúng”. Trong trường hợp bạn cảm thấy rất khó khăn với việc phân biệt giữa các đáp án, tôi khuyên bạn nên tự chuyển sang câu gián tiếp hoặc trực tiếp (tùy yêu cầu đề bài) ra nháp, rồi từ đó mới quay lại chọn đáp án A, B, C, D. Nó sẽ giúp ta tránh cảm giác loạn và trở nên chắc chắn hơn rất nhiều.
  • Bước cuối cùng là kiểm tra lại từng yếu tố của phương án được chọn, so sánh với câu ở đề bài để thật sự chắc chắn với đáp án của mình.

3. Về bài điền từ:

Vấn đề: Có nhiều câu với những phương án toàn là từ mới, khiến bạn phân vân chẳng biết chọn đáp án nào, hoặc có những chỗ bạn biết từ, nhưng chẳng hiểu nghĩa của câu, của đoạn để mà đưa ra đáp án.

Ví dụ: 

C’est quoi, la déforestation ?

Quand on réduit la taille des forêts en coupant les arbres qui n’y repousseront (1)____ naturellement, on parle de déforestation. Mais pourquoi les détruit-on? Pour gagner de l’argent, la plupart du temps. Les hommes libèrent (2)____ l’espace pour créer des cultures ou installer du bétail. C’est le cas pour les plantations de palmiers dont on produit de (3)____ de palme. Cette huile est ensuite utilisée dans la fabrication des aliments ou des crèmes de beauté par exemple de de palme.

Les hommes utilisent aussi le bois pour fabriquer du papier ou des meubles. Ce sont les forêts tropicales qui sont les plus (4)____ par la déforestation aujourd’hui.

  • A. rien B. plus C. personne D. nulle part
  • A. ainsi B. pourtant C. par contre D. néanmoins
  • A. l’arôme B. l’essence C. la crème D. l’huile
  • A. touchées B. protégées C. développées D. détruits

Với bài trên, chẳng hạnnhững câu khiến bạn không hiểu nghĩa, bạn phân vân, không biết nên chọn gì.

Cách giải quyết:

Hãy dựa vào những yếu tố xung quanh từ cần điền để suy luận. Ví dụ với câu 4, ta thấy rõ ràng từ cần điền ở đây phải là một tính từ hoặc phân từ quá khứ giống cái số nhiều (bởi vì phải hợp với “les forêts tropicales”), từ đó hiển nhiên chúng ta loại ngay được phương án D. Từ 4 phương án xuống còn 3 thì có phải bạn sẽ dễ lựa chọn hơn không nào? Nhiều trường hợp bạn còn loại được nhiều hơn nữa kìa.

Ngoài ra, ví dụ với câu 2, quan sát các đáp án, ta nhận thấy pourtant, par contre và néanmoins đều là trạng từ chỉ sự đối lập, nếu chọn 1 trong 3 đáp án này thì bạn hãy tự hỏi bản thân xem tại sao không chọn 2 đáp án kia (bởi chúng đều mang nghĩa “tuy nhiên” mà). Từ đó, chúng ta có thể loại cả 3 đáp án này đi, đưa ra đáp án cuối cùng là “ainsi” mà thậm chí không cần đọc văn bản.

Nói tóm lại, với dạng bài này, bạn cần lưu tâm đến việc quan sátsuy luận bên cạnh việc hiểu nghĩa của cả đoạn văn. Nếu chỉ tập trung vào nghĩa, có thể bạn sẽ đánh mất cơ hội của mình đấy.

4. Về bài đọc hiểu:

Vấn đề:

Bài đọc hiểu thường có 2 dạng: bài báo và trích đoạn tác phẩm văn học. Đặc biệt với bài đọc trích đoạn văn học, ta thường gặp vấn đề về việc hiểu ý của từ và câu.

Ví dụ : 

Trong 1 đề thi thử của năm 2018 có cho một đoạn văn và câu hỏi về nghĩa của câu:

“Nathalie regarde sa montre. 10 heures ! Déjà ! Elle descend d’un pas rapide jusqu’à la cuisine où la femme de ménage commence à s’activer.

‒ Bonjour Manuela ! Vous n’avez pas oublié que je donne un dîner ? Mais qu’est-ce que vous faites, malheureuse !? La confiture ne se range pas au frigidaire ! Combien de fois devrai-je vous le répéter ? Vous vous êtes lavé les mains ? Bien, j’espère… Bon écoutez-moi, Manuela, je n’ai pas le temps de… Non ! Ne jetez pas de bouchons de plastique, ma pauvre ! Vous savez bien que je les récupère pour notre association ! Bon alors. Ce soir, je reçois. Nous serons six. Vous préparerez un petit en-cas (1) pour Amélie. Quelque chose de facile à réchauffer… Donc la table pour six, le Limoges de bonne-maman et la ménagère Christofle… Vous lavez la salade, vous disposez le fromage sur le plateau à 18 heures et vous…

     Manuela est habituée aux recommandations de sa patronne, elle hoche la tête, ouvre le réfrigérateur, vérifie le contenu du bac à légumes.

‒ Et comme dessert, madame ?

‒ J’ai commandé un gâteau. J’irai le chercher en sortant du bureau.

     Nathalie enfile son imperméable Buberry et ajoute :

‒ Vous faites le service, bien sûr… Personne ne partira très tard…

‒ Justement ! Il faudrait revoir le tarif du soir… Parce que…

‒ Vous plaisantez ? C’est la crise dans le monde ! Vous n’avez pas entendu les informations ? Il faut suivre de temps en temps ! […]

     Nathalie a répondu de manière glaciale. Elle poursuit, le dos tourné :

‒ Une augmentation n’est vraiment pas d’actualité, ma pauvre Manuela ! Et à votre place, je m’estimerais même heureuse d’avoir du travail !

    Tout en conduisant, Nathalie est contrariée (2). Elle aurait dû répondre moins sèchement à son employée, mais elle déteste parler argent. […] Si Manuela la quittait, elle serait vraiment ennuyée.”

Câu 50: ‟Il faudrait revoir le tarif du soir…” signifie ‟______”.

  1. Nathalie est heureuse d’avoir du travail
  2. Manuela souhaite une augmentation de salaire
  3. Manuela n’a pas suivi les informations
  4. Nathalie n’aime pas les plaisanteries

Đôi khi, mình sẽ không biết nghĩa của từ trong câu, nguy hiểm hơn là khi mình biết từ đó nhưng chỉ biết một nghĩa, vì thế mà dễ mặc định áp đặt nghĩa đã biết vào tất cả những câu mà từ đó xuất hiện. Ví dụ trường hợp này, từ “tarif” thường được nhớ đến với nghĩa “giá”, “biểu thuế”. Nhưng nếu cố tình dịch câu trên với 2 nghĩa này, ta sẽ … không hiểu gì cả. 

Cách giải quyết :

– Với trường hợp hoàn toàn không biết từ, cần xem xét kỹ tình huống, đọc kỹ đoạn văn.

– Với trường hợp biết từ nhưng chỉ biết một nghĩa, cần dịch qua để xem có “trúc trắc” không. Nếu thấy trúc trắc, không hiểu ý của cả câu thì cần dừng lại ngay, coi đó là một từ mới hoàn toàn. Sau đó, ta lại xem xét kỹ tình huống để suy đoán giống trường hợp phía trên. Rất có thể các bạn vừa học thêm được một từ mới đấy. 

Quay lại với câu hỏi trên, các bạn phải đọc cả đoạn trích để xác định mối quan hệ giữa hai nhân vật, từ đó mới hiểu được nghĩa của từ. 

Trên đây là những hướng dẫn chi tiết giúp bạn “chắc thắng” khi làm bài thi trắc nghiệm THPT QG môn tiếng Pháp. Chúc bạn thành công!