38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Gương mặt vàng trong làng Pháp ngữ


Nguyễn Hoàng Bảo Trân (2006) khiến “dân francophone” vô cùng nở mày nở mặt. Cô bé hiện đang là học sinh lớp 11 trường PT Năng khiếu Trần Phú – Hải Phòng. Theo học tiếng Pháp từ lớp 1 với chương trình song ngữ, hiện tại Bảo Trân đã sử dụng rất tốt ngoại ngữ này. Không những thế, tiếng Anh của cô bé cũng rất “khủng”. Và bảng thành tích ngoại khóa thì … dài cả trang, việc nào cũng xuất sắc.

Nữ sinh lớp 11 chia sẻ cách chinh phục kỳ thi Học sinh giỏi - Ảnh 2.

Hình 1: Nguyễn Hoàng Bảo Trân xinh xắn, đáng yêu sở hữu thành tích đáng nể.

Cùng nghía qua bảng thành tích của cô nàng nhé.

Hình 2: Một số thành tích của Bảo Trân

Bảo Trân cũng chia sẻ về cách học tập của mình, làm thế nào cô nàng có thể chinh phục được tiếng Pháp, đồng thời đạt được nhiều thành tựu như vậy?

BÍ QUYẾT CHINH PHỤC TIẾNG PHÁP DÀNH CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

Vì được tiếp xúc và học tiếng Pháp sớm nên Bảo Trân không gặp khó khăn trong học tập. Tuy nhiên, đối với những bạn mới học tiếng Pháp hoặc mới chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Pháp sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt về cách phát âm và cấu trúc ngữ pháp.

Bảo Trân chia sẻ, tiếng Pháp cũng giống như tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào. Tiếng Pháp cũng gồm 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết. Trong đó, kỹ năng khó nhằn nhất là kỹ năng Viết và kỹ năng Nói.

Về kỹ năng Viết, cấu trúc ngữ pháp tiếng Pháp rất phức tạp. Một người muốn nâng cao kỹ năng Viết cần có sự am hiểu và thông thạo liên từ, cấu trúc, từ vựng,… Văn phong của người Pháp bay bổng nhưng vẫn súc tích. Vì vậy, với những bạn mới bắt đầu sẽ cảm thấy khó khăn khi bản thân bị “ốp” vào khuôn mẫu. Lỗi sai mà họ thường gặp phải lúc này là lỗi logic giữa các câu, các đoạn.

Về kỹ năng Nói, Bảo Trân chia sẻ không chỉ riêng tiếng Pháp mà ngôn ngữ nào trên thế giới cũng khó. Các kỹ năng khác đều có thể luyện tập bằng cách làm nhiều đề. Nhưng đối với kỹ năng Nói, bạn phải dành nhiều thời gian trau dồi. Khi học kỹ năng này, bạn cần có một vài người bạn để cùng trò chuyện, trao đổi mới có thể tiến bộ nhanh chóng. “Nếu như tiếng Anh là âm mở thì tiếng Pháp là âm mũi. Vì vậy, bạn sẽ rất khó để phát âm chuẩn”, Bảo Trân cho biết.

Nữ sinh lớp 11 chia sẻ cách chinh phục kỳ thi Học sinh giỏi - Ảnh 1.

Hình 3: Một trong những giải thưởng Bảo Trân đạt được

THÀNH TÍCH NGOẠI KHOÁ DÀI CẢ TRANG, VIỆC NÀO CŨNG HOÀN THÀNH XUẤT SẮC

Không chỉ học tập tốt, Bảo Trân còn tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá. Em đảm nhiệm một số vị trí như: Nội dung, thiết kế, dịch thuật, phát thanh… ở các dự án/tổ chức/CLB với lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, bất cứ ở lĩnh vực nào, em cũng có lượng kiến thức nhất định.

Hiện Bảo Trân đang là Chủ nhiệm CLB Ban Phát thanh Học đường trường THPT Chuyên Trần Phú. Vị trí này khiến em phải đảm đương nhiều công việc và phải chịu trách nhiệm cao hơn so với các bạn khác. Tuy nhiên, điều này giúp bản thân em trưởng thành hơn, học thêm được nhiều kỹ năng mềm quý giá.

Công việc thứ hai mà Bảo Trân tâm huyết là trở thành giảng viên dạy tiếng Pháp. Khi còn học lớp 8, em đã là gia sư tiếng Pháp. Tuy nhiên ở thời điểm đó, em chỉ dạy các em nhỏ tuổi hơn nên công việc không quá áp lực. Khi lên lớp 10, em may mắn có cơ hội đào tạo học viên lớn tuổi trong dự án Cerulean. Đây là một dự án nhằm truyền bá văn hóa nước Pháp đến đông đảo các bạn trẻ Việt Nam.

Công việc khiến Bảo Trân rơi vào một áp lực vô hình. Em phải chứng minh cho mọi người thấy, em đủ kiến thức chuyên môn, đủ kỹ năng để có thể giảng dạy. Bảo Trân dạy nhiều lớp học, mỗi lớp khoảng 4 – 5 học viên, gồm cả lớp trực tuyến lẫn lớp trực tiếp nên khá vất vả. Để làm tốt công việc của mình, nữ sinh không ngừng cải thiện khả năng bằng cách học thêm nhiều kiến thức mới như: Cách quản lý mail, thiết kế slide, soạn câu hỏi kiểm tra kiến thức, triển khai các phần mềm làm bài thi trực tuyến, tổ chức trò chơi kết nối,…

Bảo Trân tâm sự: “Em cho rằng tuổi trẻ là để trải nghiệm nên em không ngại khi làm nhiều việc. Em muốn thử thách bản thân để xem khả năng của mình đến đâu. Đó là lý do em đảm đương nhiều vị trí bởi việc học trên trường không mang đến cho em những trải nghiệm này”.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Bảo Trân dự định sẽ theo học Đại học quốc tế ở Việt Nam. Nếu có thể, em sẽ ra nước ngoài học chương trình Thạc sĩ. Chia sẻ về lý do không đi du học ở chương trình Đại học, nữ sinh cho biết em quen nhiều du hoc sinh gặp trở ngại do thay đổi môi trường đột ngột. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và kết quả học tập. Vì vậy, Bảo Trân muốn phát triển ở trong nước thật tốt trước khi quyết định ra nước ngoài.

“Thiên tài được tạo từ 1% thông minh và 99% cảm hứng” là câu nói của nhà khoa học Thomas Edison mà Bảo Trân vô cùng tâm đắc. Câu nói đã trở thành kim chỉ nam trong việc học cũng như trong cuộc sống. Nữ sinh cho rằng mỗi chúng ta không có trí thông minh trời phú nhưng vẫn đạt được thành công nếu biết nỗ lực cố gắng.

Nữ sinh Hải Phòng ẵm loạt giải thưởng lớn về tiếng Pháp bật mí cách học cực đỉnh - Ảnh 5.

Hình 4: Bảo Trân làm nhiều việc khác nhau để tăng khả năng chịu áp lực.

KIM CHỈ NAM CỦA BẢO TRÂN

Cô bạn cũng chia sẻ những suy nghĩ đã giúp cô tự định hướng trong suốt quá trình học tập, để không bao giờ đánh mất mục tiêu.

1.Hãy mơ lớn và tin rằng mình sẽ làm được

“Bạn hãy mơ lớn, tức là hãy cứ tưởng tượng một ngày bạn được ghi tên mình vào đội tuyển, được trải qua không khí căng thẳng trong phòng thi và nhận giải thưởng cao nhất trong sự chúc mừng của tất cả mọi người”, Trân đưa ra lời khuyên.

Theo Bảo Trân, chúng ta chưa trải qua những điều đó nhưng hãy cứ tin là mình sẽ làm được bởi không ai đánh thuế giấc mơ và đó là sự tự tin, chứ không phải sự ảo tưởng. Ngày nào bạn cũng tự nhắc bản thân về mục tiêu cần đạt được và duy trì thói quen để đạt đến mục tiêu đó một cách bền bỉ.

Bảo Trân biết tới kỳ thi HSG Duyên Hải từ năm lớp 9, từ đó em luôn mơ viễn cảnh được đeo chiếc Huy chương Vàng cho đến tận lúc bước vào phòng thi. Trong suốt khoảng thời gian ấy, mỗi tối Trân đều ghi vào một cuốn sổ tay dòng chữ “Mình nhất định sẽ giành được Huy chương Vàng HSG Duyên hải”, tựa lời đốc thúc chính bản thân mình.

Theo Bảo Trân, Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 là chị Nguyễn Thị Thu Hằng cũng áp dụng phương pháp này từ năm lớp 7. Khi bản thân mong muốn giành được vòng nguyệt quế, Thu Hằng đã viết ước mơ của mình lên một mảnh giấy dán cạnh bàn học trước mặt.

2. Sau khi mơ, bạn hãy nghĩ

Sau khi biết mục tiêu của mình là gì, bạn hãy bắt đầu suy nghĩ về quá trình ôn thi sắp tới và tự định hướng cho bản thân một kế hoạch cụ thể. Bạn cần phải làm gì để trở thành ứng cử viên sáng giá được trường, lớp chọn đi dự thi? Bạn ước tính có thể dành bao nhiêu thời gian và sức lực cho kì thi này? Bạn sẽ ôn tập ra sao, thời gian biểu ôn tập như thế nào? Bạn còn yếu ở phần nào, cần bổ sung hay cải thiện điều gì?

Với tất cả các câu hỏi trên, bạn hãy cố gắng tìm câu trả lời cho mình sớm nhất có thể để nhanh chóng bắt tay vào kế hoạch ôn tập và theo đuổi ước mơ (nếu được hãy tham khảo cả ý kiến của bố mẹ và thầy cô). Có ba điều quan trọng mà Bảo Trân muốn nhắn nhủ tới mọi người:

– Sự thành công của một con người dựa vào 1% thông minh và 99% cần cù. Đừng nhìn những người khác giỏi hơn mà thấy bản thân mình yếu kém. Nếu mình không giỏi bằng họ, hãy chăm chỉ hơn họ gấp hai, gấp ba để bù đắp vào. Điều này giúp bạn có cơ hội nắm được phần thắng (bởi trái ngọt không phụ người biết nỗ lực).

– Bạn chắc chắn phải chịu được áp lực – điều mà bạn sẽ gặp phải khi thi HSG. Trong giai đoạn đầu, những lần càng làm bài sai, những lần trượt top tuyển lên xuống, hoặc những lời nói ra nói vào của người khác, những áp lực về giải thưởng,… sẽ khiến bạn nản dần và bắt đầu hoài nghi về năng lực bản thân. Điều này có thể khiến bạn chìm dần trong áp lực, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.

Khoảng thời gian căng thẳng này kéo dài hay ngắn tùy thuộc vào việc bạn đối diện và xử lý nó như thế nào. Hãy tìm cho mình một người tâm sự, hoặc làm những việc bạn yêu thích để lấy lại tinh thần. Sau đó, hãy xem xem vấn đề của mình đang nằm ở đâu để giải quyết tận gốc và thay đổi theo hướng tích cực.

Bảo Trân từng khóc rất nhiều trong quá trình ôn thi vì liên tiếp trượt xuống top thấp, làm sai những bài căn bản. Và vì tiêu cực nên không tìm được phương pháp học đúng đắn dẫn đến bị kiệt sức. Về sau, em thoải mái hơn, chọn cách học nhẹ nhàng hơn để tinh thần sảng khoái và đạt được kết quả tốt nhất.

– Bạn cần biết cân bằng! Người ôm quá nhiều mục tiêu một lúc thì hiệu quả sẽ bị chia đều và không thể tốt nhất được. Hồi mới ôn thi, có nhiều dự án hay mà Bảo Trân mong muốn “apply”. Thế nhưng, em lại nghĩ tới việc “apply” như vậy khiến mình ít tập trung vào kỳ thi HSG, trong khi đó mới là mục tiêu hàng đầu. Đi thi HSG đồng nghĩa với việc bạn phải dồn toàn bộ công sức vào nó và hi sinh những mục tiêu khác. Hãy biết kiểm soát bản thân và nắm được điều gì mình cần phải đạt được nhất.

3. Suy nghĩ đi đôi với hành động

– Chọn phương pháp học phù hợp với thời gian biểu: Vì thi ngoại ngữ (Tiếng Pháp) nên Bảo Trân chia ra 4 kỹ năng (đọc, nghe, nói, viết) được ôn vào các thời điểm khác nhau trong ngày, tùy theo sự hiệu quả khi học kỹ năng này vào khung giờ đó. Trân gợi ý một số phương pháp như Pomodoro, Feynman,…

– Tận dụng thời gian mọi lúc mọi nơi: Vào giờ ra chơi, thay vì xuống căng tin ăn uống với bạn bè, Bảo Trân chọn ngồi học. Các dịp tụ tập em cũng ít tham gia dần. Tất cả những khoảng thời gian cá nhân có thể tranh thủ ôn tập thêm được, Trâm dùng để học thêm kiến thức. Em nhìn vào mục tiêu dài hạn và ý nghĩa hơn là các thú vui trước mắt.

– Tinh thần tự giác vô cùng quan trọng, và hãy tự tìm tài liệu: Hãy tắt thông báo Facebook, xóa Tiktok, hạn chế xem phim,… là những điều mà bạn cần phải làm khi ôn thi. Nếu tâm trí còn để bị phân tán vào những điều đó thì việc học sẽ không hiệu quả.

Theo Bảo Trân, các bạn học sinh đừng ngại xin tài liệu. Tài liệu giáo viên phát cho mỗi bạn sẽ có một lượng giống nhau, còn tài liệu ôn thi nhiều hay ít còn tùy thuộc vào bạn xin được thêm hay không. Lúc này, bạn có thể lên Internet hoặc các hội nhóm Facebook để hỏi đề, nhắn tin cho các anh chị đi trước để xin tài liệu.

Bảo Trân thường dành ra khoảng 15-20 phút mỗi ngày đi khắp các nền tảng để xin đề. Em gợi ý cho một số cú pháp tra đề trên mạng để tham khảo như:

+ Đề đề xuất/Đề ôn thi/Đề ôn tập/Đề tham khảo/Đề cương/Đề thi chính thức + HSG + môn + lớp + năm (hãy tra tất cả các năm gần đây để lấy đề cho đa dạng).

Ví dụ: “Đề thi chính thức HSG Duyên hải Bắc Bộ môn tiếng Pháp lớp 10 năm 2017”.

+ Lấy đề cương ôn tập được đăng tải trên Internet của các trường chuyên có tiếng.

+ Làm các đề tốt nghiệp THPT Quốc gia cũng cung cấp cho chúng ta nhiều kiến thức khá hữu ích hoặc làm các đề ôn thi học kì, thậm chí là đề thi HSG của các lớp lớn hơn để tích lũy thêm kinh nghiệm.

– Luyện đề với cường độ từ bình thường đến cao và lúc nào cũng luyện đề: Khi luyện đề, chữa đề và tìm ra những mảng bạn còn yếu để bồi đắp và khắc phục, trình độ của bạn sẽ lên rất nhanh.

Một cô nàng 17 tuổi mà đã suy nghĩ thật chín chắn và có phương pháp học tập thật rõ ràng. Chính vì thế, cô nàng đã sớm đạt được nhiều thành tựu. Các bạn Gen Z hẳn là được truyền cảm hứng rất nhiều phải không? Nỗ lực các bạn nhé, dù chưa đạt được thành tích như cô bạn này thì chúng ta cũng tiến bộ rất nhiều rồi.

–  Đội ngũ Fi trích, tổng hợp từ báo PNVN và Kênh 14 –