38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

  • Trang chủ
  • Khám phá
  • Des journée internationales célèbres – Các ngày quốc tế nổi tiếng

Des journée internationales célèbres – Các ngày quốc tế nổi tiếng


Chúng ta đều biết đến những ngày quốc tế vô cùng quen thuộc như quốc tế phụ nữ 8/3 (journée internationale de la femme), ngày sức khỏe thế giới 7/4 (journée mondiale de la santé), và đặc biệt là một francophone/francophile, chúng ta chắc phải biết tới ngày hội Pháp ngữ 20/3 (journée de la langue française),… Vậy hôm nay hãy cùng Fi ngồi lại đây và tổng hợp một vài ngày quốc tế quan trọng trong năm và xem xem bạn biết được bao nhiêu ngày nhé.

1. 20/3 – Journée internationale du bonheur (Ngày quốc tế hạnh phúc)

6/2012, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban-Ki-Moon công bố về Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 tại một hội nghị của Liên hiệp quốc về vấn đề này.

Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan, một quốc gia bé nhỏ ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Khác với các nước khác, mục tiêu của đất nước là hạnh phúc của người dân, chứ không phải tổng sản phẩm quốc nội. 

Liên hiệp quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt nhất trong năm – ngày xuân phân. Khi ấy, mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài của ngày và đêm bằng nhau đại diện cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực. Với ý nghĩa đó, Ngày Quốc tế Hạnh Phúc mang một thông điệp rằng: sự cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

2. 6/7 – Journée internationale du baiser (Ngày quốc tế nụ hôn)

Bắt nguồn từ nước Anh, ngày lễ đặc biệt này lan rộng khắp và cuối cùng được Liên hợp quốc chính thức công nhận từ năm 2006, để đề cao tình cảm của con người trong xã hội. Trong cuộc sống bề bộn thường ngày, ta thường quên đi việc trao cho nhau những cử chỉ âu yếm thể hiện tình cảm thân thiết. Chính vì thế ngày này được ra đời để tạo cơ hội cho mọi người bày tỏ những tình cảm cao quý đó. 

Ở Việt Nam, ngày này chưa được phổ biến như Lễ Tình Nhân 14/2. Song, một số bạn trẻ lại rất hào hứng với ngày lễ đáng yêu này. 

Chúng ta có rất nhiều kiểu hôn, mà mỗi kiểu hôn lại mang một ý nghĩa riêng của nó:

  • Hôn lên trán : Đây là nụ hôn âu yếm, có ý trân trọng đối phương. Khi ai đó hôn lên trán bạn, chắc chắn anh ấy có tình cảm với bạn, và đây cũng là nụ hôn mang ý nghĩa thăm dò, nếu bạn bật đèn xanh, rất có thể sẽ tiến đến nụ hôn môi. Còn nếu bạn tỏ ra thờ ơ hay khó chịu, anh ấy sẽ biết ngay bạn không có tình cảm với anh ấy.
  • Hôn má : Khi chàng hôn lên má bạn, ý nghĩa của nụ hôn đó là tình anh em, anh ấy coi bạn là một người em gái. Một nụ hôn chưa đủ mặn nồng để gọi là tình yêu, nhưng cũng không quá lạnh nhạt để coi đó là tình bạn. Trong nụ hôn ấy vẫn tồn tại một thứ, đó là khoảng cách.
  • Hôn lên tay : Đây là kiểu hôn bảy tỏ sự lịch lãm, tôn trọng người phụ nữ đứng trước mình.
  • Hôn lên môi : Theo quan niệm của người phương Đông thì hôn môi chính là nụ hôn của tình yêu, chỉ có cặp đôi yêu nhau thì mới khóa môi nhau.
  • Hôn lên cổ: Thông thường rất ít người hôn lên cổ, chỉ có những cặp đôi yêu nhau mới dành cho nhau nụ hôn này. Khi chàng hôn lên cổ bạn nghĩa là chàng đang muốn chiếm lấy bạn, muốn thể hiện tình cảm sâu sắc với bạn.

3. 15/5 – Journée internationale des familles (Ngày quốc tế gia đình)

Năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề gia đình và tăng cường khả năng của các quốc gia trong việc thực hiện các chính sách toàn diện về những vấn đề liên quan đến gia đình.

Mỗi gia đình chính là một tế bào trong một cơ thể chung chính là xã hội. Bảo đảm sự yên ấm và hạnh phúc của mỗi gia đình không chỉ đòi hỏi nỗ lực từ chính các thành viên trong nội bộ gia đình mà còn cần thiện chí và sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế, để từ đó xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

4. 31/5 – Journée mondiale sans tabac (Ngày thế giới phòng chống thuốc lá)

Hội đồng Y tế thế giới (World Health Assembly) vào năm 1987 đã lấy ngày 31 tháng 5 hàng năm làm Ngày Thế giới không thuốc lá. Mục đích nhằm tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu. Mục đích xa hơn là gây sự chú ý của cộng đồng đến tác hại của thuốc lá đối với người hút thuốc lá chủ động cũng như bị động, mà mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 5,4 triệu người trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 40.000 người chết do thuốc lá. Theo ước tính của WHO, con số này có thể tăng thành 70.000 trường hợp mỗi năm nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Tổn thất về kinh tế của thuốc lá ước tính hơn 24.600 tỷ đồng hay 1,17 tỷ USD mỗi năm. 

Tác động gây hại của thuốc lá với sức khoẻ và nền kinh tế tích tụ theo thời gian, vì vậy cần phải có hành động để ngăn ngừa xu hướng tiếp tục gia tăng số tử vong do thuốc lá và những tổn thất kinh tế do nó gây ra trong những năm tới.

5. 1/6 – Journée mondiale des parents (Ngày Quốc tế phụ huynh)

Nếu như chúng ta thường biết đến 1/6 là ngày Quốc tế Thiếu nhi thì cần chú ý thêm, đây cũng chính là ngày quốc tế phụ huynh. Đây là dịp để đề cao vai trò của phụ huynh trên toàn thế giới trong việc chăm sóc, bảo vệ, và đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ em. 

Phụ huynh tốt là những bậc phụ huynh đem đến cho con mình hạnh phúc, tình yêu thương, sự thấu hiểu, cơ hội phát triển và hơn hết, dạy cho con những kỹ năng để bản lĩnh bước vào đời trong tương lai.

Còn đối với con cái, vào ngày này, chúng ta hãy dành những tình cảm yêu quý, kính trọng gửi đến bố, đến mẹ, đến những bậc phụ huynh đã nuôi dạy ta trong suốt quãng thời gian qua. Hãy tặng họ những món quà nho nhỏ mà chứa đựng những tình cảm âu yếm, chan chứa, một lòng biết ơn sâu sắc, nồng thắm.

6. 1/12 – Journée mondiale de lutte contre le sida (Ngày thế giới phòng chống AIDS)

Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS là ngày lễ quốc tế vào ngày 1 tháng 12 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì HIV/AIDS.

Thay vì tập trung vào một ngày duy nhất, Chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AID đã lập ra “Chiến dịch thế giới phòng chống AIDS” vào năm 1997 để tập trung vào thông tin, phòng chống và giáo dục về HIV/AIDS quanh năm. 

Tính đến năm 2017, tổng số người nhiễm HIV trên toàn thế giới là 36,9 triệu người, trong đó tập trung đông nhất ở khu vực Bắc và Nam Phi với 19,6 triệu người. Ngoài ra, số lượng trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 1,8 triệu trẻ.

Năm 2004, “Chiến dịch thế giới phòng chống bệnh AIDS” đã trở thành một tổ chức độc lập.

Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bị bệnh AIDS.

– Ánh Tuyết –