38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Tác giả: admin

20 từ vựng tiếng Pháp liên quan đến chứng nghiện rượu


Tại Pháp, đại dịch Covid-19 đã khiến lượng tiêu thụ chất có cồn tăng ở 17% số người trưởng thành. Hiện nay 31% người Pháp uống nhiều hơn so với khuyến cáo của bộ y tế nước này. Để các bạn dễ dàng tiếp cận vấn đề này, Fi sẽ giới thiệu đến các bạn bộ 20 từ vựng liên quan đến đồ uống có cồn và việc nghiện rượu bia. Cùng xem nhé!

– Ánh Tuyết –

Từ vựng tiếng Pháp về các dạng phân biệt đối xử


Phân biệt đối xử là một vấn đề vô cùng nhức nhối và chưa thể chấm dứt trong xã hội của chúng ta. Phân biệt đối xử có rất nhiều dạng và nguyên nhân, chúng ta thường sẽ nói đến phân biệt giới tính, chủng tộc… Tuy nhiên còn rất nhiều những dạng phân biệt đối xử khác, cùng Fi khám phá ngay nhé.

– Khánh Hà –

Bộ từ vựng tiếng Pháp về căng thẳng giữa Ukraine và Nga


Căng thẳng Nga – Ukraine ngày càng gia tăng, xung đột với quy mô ngày càng lớn. Liệu chiến tranh bom đạn có xảy ra không? Sẽ có giải pháp ngoại giao nào được chấp thuận bởi hai quốc gia hay không? Các bạn hãy tiếp tục nín thở để theo dõi diễn biến tiếp trong cuộc căng thẳng. Trong thời gian đó, hãy học ngay bộ từ này để đọc hiểu được những bài báo tiếng Pháp về chủ đề hấp dẫn này nhé.

– Thanh Ngân –

15 tác phẩm kinh điển của văn học Pháp nhất định phải đọc


15 classiques de la littérature française à lire absolument

Nhắc đến Pháp, ta thường nghĩ đến những công trình kiến trúc cổ kính, những món ăn tinh tế, những con người lịch thiệp. Một trong những điểm không thể thiếu nữa của Pháp, đó chính là nền văn học lâu đời.  Pháp được coi như cái nôi của nền văn học Thế giới, nơi đây đã sản sinh ra những đại thi hào của Thế giới và những trường phái nghệ thuật tiêu biểu…

Trong bài viết này, Fi sẽ giới thiệu tới các bạn 15 tác phẩm kinh điển của nền văn học Pháp, những tác phẩm xuất sắc này đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho hàng trăm tác phẩm điện ảnh, nhạc kịch, phim truyền hình và ca khúc ở nhiều quốc gia trên thế giới.

1. Le Petit Prince (Hoàng tử bé) – Antoine de Saint-Exupéry

Được xuất bản năm 1943 tại Mỹ và 1946 tại Pháp, “Hoàng tử bé” là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry. Cuốn sách chứa đựng nhiều bài học và triết lý về nghệ thuật sống, tình yêu, bản chất của con người, các tính xấu, những suy ngẫm về thế giới xung quanh ta… Sách Hoàng Tử Bé được bình chọn là cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 tại Pháp, đến nay tác phẩm đã được dịch sang gần 300 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới.

2. L’Étranger (Người xa lạ) – Albert Camus

“Người Xa Lạ” của Albert Camus là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho triết học hiện sinh. Tiểu thuyết khắc họa chân dung nhân vật Meursault trong khoảng thời gian kể từ ngày mẹ của Meursault chết ở trại tế bần cho đến gần cái chết của chính anh ta. Cuốn tiểu thuyết đã gợi lên nhiều câu hỏi về giá trị sống của con người khiến ta không khỏi day dứt: Liệu có nên sống một cuộc đời phi lý?

3. Les misérables (Những người khốn khổ) – Victor Hugo

“Những người khốn khổ” là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19. Trong kiệt tác, nhân vật chính được tác giả đặt ngòi bút nhiều nhất là Jean Valjean. Đây là hiện thân cho những xung đột thiện và ác rất đỗi bình thường bởi cuộc chiến giằng xé giữa một bên tôn trọng pháp luật và một bên đạo lý con người.

4. Le Comte de Monte-Cristo (Bá tước Monte Cristo) – Alexandre Dumas

“Bá tước Monte Cristo” là cuốn tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng nhất của nhà văn người Pháp – Alexandre Dumas. Đây là một câu chuyện tuyệt vời về tình yêu, lòng thù hận và sự vị tha. Bốn chữ: HI VỌNG và CHỜ ĐỢI chính là bài học cuộc sống mà tác phẩm dành tặng cho độc giả.

5. Les Trois Mousquetaires (Ba chàng lính ngự lâm) – Alexandre Dumas

“Ba chàng lính ngự lâm” là câu chuyện mở đầu trong bộ ba truyện Les trois Mousquetaires (Ba người lính ngự lâm), Vingt ans après (hai mươi năm sau) và Le Vicomte de Bragelonne (tử tước de Bragelonne).

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh là xã hội quý tộc vua chúa đầy âm mưu cả chính trị và tình ái đan xen của cung đình nước Pháp thế kỷ XVII. Nổi bật lên trên cả các bậc vua chúa đó, Dumas đặt nhân vật d’Artagnan và ba người lính ngự lâm vào trung tâm của mọi sự kiện và là những người hóa giải mọi âm mưu.

6. L’Écume des jours (Bọt tháng ngày) – Boris Vian

Với “Bọt Tháng Ngày”, Boris Vian đã tạo tác một vũ trụ vượt mọi khuôn khổ vật lý, một thế giới bồng bềnh lấp lánh nơi chuột biết nói, nắng biết thẹn thùng, đàn piano biết pha cocktail và người đàn ông có thể già đi mười tuổi chỉ trong một tuần lễ. “Bọt Tháng Ngày”, tuy thế, chưa bao giờ là một câu chuyện cổ tích; ta tìm thấy trong vòm trời siêu thực của Vian nổi bật hơn hết thảy một chuyện tình thơ mộng mà đắng cay, những bài học cuộc sống chua chát, những bi kịch mỉa mai không lối thoát của phận người bèo bọt…

7. Notre-Dame de Paris (Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà) – Victor Hugo

Trái tim đôi khi vì yêu, vì hận mà mù quáng vô cùng… Và đó cũng là mối tình si đầy thống khổ của chàng gù Quasimodo trong tuyệt phẩm “Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo. Ra mắt vào năm 1831, cuốn tiểu thuyết đã nhanh chóng tạo nên tiếng vang và trở thành một kiệt tác xuất sắc, bất hủ. Tầm ảnh hưởng của tác phẩm không chỉ nằm ở phạm vi văn học mà tác phẩm của đại văn hào Victor Hugo đã được chuyển thể sang sân khấu opera, ballet, kịch nói, nhạc kịch và hơn 15 phiên bản điện ảnh, từ truyền hình cho tới hoạt hình.

8. Le Dernier Jour d’un condamné (Ngày cuối cùng của một tử tù) – Victor Hugo

“Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tù” là cuốn sách khá thành công đến từ ngòi bút của nhà văn Victor Hugo. Ông là người có sức ảnh hưởng to lớn đối với nền văn học Pháp nói riêng và văn học thế giới nói chung. “Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tù” đơn giản là một đoạn hồi ký của một nhân vật xưng “tôi” không tên tuổi, không lai lịch. Chẳng ai biết lý do tại sao anh ta bị tống vào tù với một án phạt không ai mong muốn – án tử.

9. Vingt Mille Lieues sous les mers (Hai vạn dặm dưới đáy biển) – Jules Verne

“Hai vạn dặm dưới đáy biển” là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng hiện đại nổi tiếng của tác giả Jules Gabriel Verne. Đến với cuốn tiểu thuyết này người đọc sẽ phải sửng sốt trước những kì quan dưới đáy biển mà tác giả miêu tả qua ô cửa phòng khách của thuyền trưởng Nê-mô trên chiếc tàu ngầm Nau-ti-lux. Cuốn sách không chỉ dành cho lứa tuổi thiếu nhi mà còn dành cho mọi thế hệ người đọc.

10. L’Avare (Lão hà tiện) – Molière

“Lão Hà Tiện” là một tác phẩm hài kịch đặc sắc nổi bật của tác giả Molière, một nhà hài kịch người Pháp, người được mệnh danh là “người hề vĩ đại” trong nền văn học Pháp, không những nổi danh ở đất nước mẹ đẻ của mình, Molière còn là niềm kiêu hãnh của cả lịch sử sân khấu thế giới. Tác phẩm của ông mang tính hiện thực sâu sắc, đến nay vẫn được nhân dân thế giới yêu thích và được giảng dạy trong các trường học, được biểu diễn trên sân khấu, chiếu trên màn ảnh của nhiều nước.

11. L’homme qui rit (Thằng Cười) – Victor Hugo

Bộ tiểu thuyết Thằng cười của Victor Hugo đưa chúng ta đến với nước Anh của thế kỷ XVII, chủ yếu dưới các triều đại của dòng họ Xtiua. Giắc II và Annơ Xtiua. Victor Hugo đã đưa vào Thằng cười không biết bao nhiêu chi tiết lịch sử có thật của nước Anh thời bấy giờ với tên tuổi các ông vua, các nữ hoàng, nữ công tước, các vị nguyên lão, miêu tả tỉ mỉ chốn cung điện, các nghi thức triều đình… với một bút pháp độc đáo tài tình.

12. La Comédie humaine (Tấn trò đời) – Honoré de Balzac

“Tấn trò đời” tập hợp toàn bộ tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn của văn hào Honoré de Balzac (1799-1850), gồm trên 90 tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một đơn vị hoàn chỉnh, độc lập, có thể đọc riêng rẽ, đồng thời là bộ phận của một tổng thể toàn vẹn và duy nhất.

Với phát kiến “nhân vật tái hiện”, Balzac miêu tả nhân vật trong nhiều mối quan hệ phức tạp, trong tính đa dạng và sự vận động. Cuộc sống của nhân vật không kết thúc cùng với sự kết thúc xung đột mà còn tiếp tục, với nhiều thắng lợi hay thất bại, trong những mối quan hệ khác. Theo dõi nhân vật qua nhiều tác phẩm, độc giả sẽ không bị giới hạn trong cảm thụ thẩm mỹ, sẽ cảm nhận được ba chiều không gian và cả chiều sâu thời gian của Tấn trò đời.

13. À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất) – Marcel Proust

“Đi tìm thời gian đã mất” được bình chọn là một trong 10 tiểu thuyết được yêu thích nhất thế kỷ 20 và được tạp chí Times xếp thứ tám trong 10 cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời. Tác giả của bộ sách được coi là một trong ba tiểu thuyết gia xuất sắc mọi thời đại. “Đi tìm thời gian đã mất” là tác phẩm làm nên cuộc cách mạng văn chương Pháp đầu thế kỷ XX. Dù tác phẩm được ưa thích hay không, nó luôn được lấy làm điểm quy chiếu: có một cách viết tiểu thuyết, cách đọc tiểu thuyết trước và sau Proust.

14. Madame Bovary (Bà Bovary) – Gustave Flaubert

Gustave Flaubert là một trong những cái tên tiêu biểu của văn học hiện thực Pháp thế kỷ 19. Tác phẩm “Bà Bovary” của ông được xuất bản năm 1856 vừa khắc họa sâu sắc giấc mộng lãng mạn thời ấy vừa thể hiện cảnh điêu tàn của nó khi bị hiện thực vùi dập. Giống như một bản nhạc bay bổng, “Bà Bovary” đưa người đọc vào tâm hồn đầy thi ca lãng mạn của người Pháp và những nét văn hóa đặc sắc thế kỷ 19.

15. Le Rouge et le Noir (Đỏ và Đen) – Stendhal

“Đỏ và đen” là tiểu thuyết đầu tay của Stendhal, được xuất bản vào năm 1830. Tiểu thuyết được viết vào năm 1830, mô tả về những nỗ lực của một người thanh niên trẻ vượt lên khỏi tầng lớp xã hội dưới của bản thân nhờ tài năng, làm việc chăm chỉ, mánh khóe và đạo đức giả, chỉ tìm thấy chính mình khi bị phản bội bởi chính người người yêu của anh ta. Nói cuốn sách này là một tác phẩm kinh điển thì quả không ngoa chút nào. Bởi nó hội tụ rất nhiều triết lý sâu xa, hài hước và châm biếm nhiều tầng nghĩa, những suy tư về tôn giáo, xã hội, con người…

Bạn hứng thú với tác phẩm nào nhất? Tìm đọc ngay để mở mang thêm vốn hiểu biết của bản thân về văn hóa và đời sống Pháp nhé! Những bạn tiếng Pháp khá hơn thì hãy thử tập đọc bằng bản tiếng Pháp xem sao.

Xem thêm Những việc mà bạn nào học giỏi ngoại ngữ cũng đã từng làm để áp dụng cho bản thân mình nhé!

– Thanh Ngân – 

[Truyện chêm tiếng Pháp] Katalin Kariko, nhà khoa học nữ đứng sau vaccine Pfizer


Katalin Kariko, la chercheuse derrière le vaccin Pfizer

Giữa cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên khắp thế giới, vaccine mRNA, phát triển bởi các hãng Moderna và Pfizer/BioNTech, đã tạo ra cuộc cách mạng vô cùng lớn. Và nhà khoa học nữ Katalin Kariko chính là linh hồn của phát kiến này. Nếu bạn đã nghe về hành trình nếm gai nằm mật của bà để đến với phát kiến này, chắc chắn bạn sẽ không khỏi há hốc mồm.

Katalin Kariko được sinh ra ở Szolnok, miền trung Hungary, và lớn lên ở Kisújszállás, khi đất nước đang trong chế độ cộng sản (en plein régime communiste). Từ nhỏ, bà đã có đam mê khoa học (être passionnée de sciences). Năm 23 tuổi, bà bắt đầu sự nghiệp của mình (débuter sa carrière) tại Trung tâm Nghiên cứu sinh học (Centre de recherches biologiques) của đại học Szeged, nơi bà đã lấy bằng tiến sĩ. Tại đây, bà bắt đầu quan tâm đến axit ribonucleic (RNA) (l’acide ribonucléique (ARN) messager). Nhưng trong các phòng thí nghiệm của Hungary, các trang thiết bị rất thiếu thốn. Vì một lý do nào đó, nhà khoa học này cũng bị sa thải khỏi trung tâm nghiên cứu ở tuổi 30.

Năm 1985, bà đã nhận được một vị trí làm việc tại Đại học Temple, ở Philadelphia. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ở Liên Xô không được phép mang tiền ra khỏi đất nước (sortir des devises du pays). Bất chấp lệnh cấm này, Katalin Kariko đã bán chiếc xe ô tô của gia đình và giấu tiền trong con gấu bông (l’ours en peluche) của cô con gái 2 tuổi Susan Francia. Bà bộc bạch: “Đó là chuyến đi một chiều (un aller simple). Chúng tôi không biết bất kỳ ai”.

Tuy nhiên, ngay cả khi sang được Mỹ, mọi thứ vẫn không như kế hoạch của bà. Vào cuối những năm 1980, giới khoa học chỉ để mắt đến DNA (n’avoir d’yeux que pour l’ADN), thứ được cho là có khả năng biến đổi tế bào (transformer les cellules) và từ đó điều trị các bệnh lý (soigner des pathologies) như ung thư (le cancer) hoặc xơ nang (la mucoviscidose). Bà Katalin Kariko vẫn tiếp tục quan tâm đến mRNA, nghĩ rằng nó sẽ đưa cho các tế bào hướng dẫn (fournir aux cellules les instructions) để tự tạo ra các protein điều trị (fabriquer elles-mêmes les protéines thérapeutiques), một giải pháp để tránh sửa đổi bộ gen của tế bào. Nhưng công nghệ này lại bị chỉ trích nhiều vì nó dẫn đến các phản ứng viêm mạnh (entraîner de vives réactions inflammatoires), mRNA được coi là kẻ xâm nhập (un intrus) bởi hệ miễn dịch (le système immunitaire).

Trong những năm 90, yêu cầu tài trợ nghiên cứu (les demandes de bourse de recherche) của bà đã liên tục bị từ chối. Năm 1995, khi đang cố gắng trở thành giáo sư, bà còn bị giáng chức xuống nghiên cứu viên đơn thuần. Bà đã có ý định từ bỏ con đường này vì nghĩ rằng mình không đủ giỏi.

Ấy vậy, bất chấp mọi khó khăn, bà vẫn không từ bỏ, cống hiến hết mình cho đam mê (se consacrer à corps perdu à sa passion). “Nhìn từ bên ngoài, nó có vẻ điên rồ, nhưng tôi đã rất hạnh phúc trong phòng thí nghiệm”.

Năm 1997, một cuộc gặp gỡ trước máy photocopy đã thay đổi hoàn toàn vận mệnh (changer le destin) của Katalin Kariko. Bà gặp nhà miễn dịch học Drew Weissman, người đang nghiên cứu vắc-xin HIV. Họ quyết định hợp tác và phát triển biện pháp giúp RNA tổng hợp (l’ARN synthétique) không bị hệ thống miễn dịch nhận ra.

Khám phá của họ được công bố vào năm 2005 và giành được nhiều lời khen ngợi. Bộ đôi tiếp tục nghiên cứu và thành công trong việc đặt RNA trong “các hạt nano lipid” (nanoparticules lipidiques), một lớp phủ ngăn chúng phân hủy quá nhanh và tạo điều kiện cho chúng xâm nhập vào tế bào.

Chính từ những kỹ thuật này mà các phòng thí nghiệm Moderna và BioNTech/Pfizer đã có thể phát triển các giải pháp cho đại dịch Covid-19. Cả hai loại vắc-xin đều cùng dựa trên công nghệ này: đưa các đoạn gen mã hóa vào cơ thể để kích hoạt sản sinh ra một loại protein giống hệt như của coronavirus và tạo ra phản ứng miễn dịch.

Sau thành công này, dù rất vui nhưng nhà khoa học vẫn chưa muốn ăn mừng: “Chúng tôi sẽ ăn mừng sau khi sự đau khổ của nhân loại chấm dứt, khi những thử thách và giai đoạn khủng hoảng này kết thúc. Tôi hy vọng nó sẽ vào mùa hè này, khi chúng ta không còn phải nhắc về virus và vaccine nữa. Khi đó tôi sẽ ăn mừng lớn.”

– Ánh Tuyết –

Những việc mà bạn nào học giỏi ngoại ngữ cũng đã từng làm


Muốn học giỏi, hãy hỏi người học giỏi. Mình thích, ngưỡng mộ, yêu mến và chân thành muốn học hỏi những người học giỏi. Vì thế, mình tìm đến nhiều người học giỏi khác nhau, để trò chuyện với họ, và học từ họ. Rốt cuộc, mình cũng hiểu được: tại sao họ học giỏi .
Tất nhiên, cũng phải nói rằng học giỏi không phải là tất cả trong đời. Học giỏi cũng không đơn thuần là một bảng điểm đẹp. Nhưng nó là nền tảng đầu tiên cho sự logic về tư duy, khả năng ghi nhớ, suy nghĩ, khả năng hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch lớn nhỏ cũng bắt đầu từ đây. Vậy nên, hãy coi trọng và đặt mục tiêu học giỏi.
Mỗi người, dù cùng học giỏi, cũng rất khác nhau. Về tính cách, giáo dục gia đình,… Nhưng họ đều có những “mẫu số chung”. Bài viết này, FiClasse chia sẻ với các bạn về những điểm chung đó, ở những người học giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Pháp.

1. Sổ từ:
Mình phát hiện hầu hết các bạn ý đều có một cuốn tổng hợp, với cái tên ban đầu là Sổ từ. Trong đó từ vựng được phân theo chủ đề, các cấu trúc hay hoặc quan trọng, các vấn đề ngữ pháp… đều có mặt. Khi xuất hiện những từ cùng chủ đề, đơn giản chỉ cần thêm vào mục có sẵn. Rất dễ học, lại hay được xem lại, thay vì cuốn vở ghi chép hỗn độn làm bạn không thể nhớ cái gì nằm ở đâu.

Bí quyết là Tự Học.


2. Bút nhiều màu:
Có 1 điều đặc biệt mình phát hiện ra, chữ viết của các bạn học giỏi ngoại ngữ, dù là nam hay nữ, có xu hướng đẹp dần lên theo thời gian. Còn nữa, vở các bạn ấy kiểu gì cũng xuất hiện nhiều màu mực, để gạch chân, khoanh tròn, highline, đánh dấu,… Đó là một cách học thông minh. Hoạt động của đôi tay với của não gắn chặt chẽ với nhau, phát triển cùng nhau (bạn nào quan tâm có thể tìm hiểu về chủ đề Tại sao nên học nhạc cụ). Cách ghi chép rõ ràng, thông minh giúp bạn hài lòng, nên hiểu nhanh, nhớ lâu, nhớ nhiều.

Bí quyết là Tư Duy mạch lạc.

3. Sách:
Các bạn học giỏi, nói đến sách nào liên quan đến lĩnh vực và trình độ của bạn ý, bạn ý đều biết, thậm chí đều có. Yêu sách là một trong những yếu tố quan trọng nhất để học giỏi. Vả lại, ở cùng trình độ, khi xem những cuốn sách khác nhau, với cách tương tác khác nhau, kiến thức trong đầu bạn sẽ hằn sâu hơn, chắc chắn hơn. Bạn cũng có thể khám phá phong cách học của mình khi tham khảo từ nhiều sách. Bạn sẽ gặp ở nhà sách vài người, thậm chí ngồi bệt xuống sàn và đắm đuối trong những kệ sách cao ngất, về lĩnh vực của họ; kiểu cách rất khác với những người thích đọc sách đơn thuần. Còn nữa, người học giỏi rất giữ sách. Họ không bỏ đi những cuốn sách về lĩnh vực mình theo đuổi.

Người học giỏi không bỏ qua cơ hội nào để tăng kiến thức. Họ Khát.

4. Công cụ:
Một cái bảng, một góc học tập độc lập và tập trung, các loại sổ sách, giấy note, giấy viết lả tả, các loại bút, rất nhiều dữ liệu trong máy tính về lĩnh vực của mình, nhiều loại từ điển, nhiều loại đĩa, các công cụ lưu trữ… Phảng phất 1 hoặc nhiều yếu tố này là điều bạn sẽ tìm thấy ở những người học giỏi. Họ tận dụng mọi thứ có thể tuỳ điều kiện. Họ đầu tư mọi thứ có thể để tiến lên. Và, rất nhiều người học giỏi, mình phát hiện, bị ám ảnh vì sở thích với văn phòng phẩm. Thật là thú vị.

Công cụ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, không phải để “bằng anh bằng em”.

5. Thông tin:
Mọi thứ liên quan đến lĩnh vực của mình: thầy cô nào dạy tốt, mỗi người mạnh về mảng gì, những trường ĐH nào có lĩnh vực đó, thậm chí các trường ở nước ngoài (cho ước mơ du học), âm nhạc, hội hoạ hay các sự kiện văn hoá liên quan, sách học của họ từ nhà xuất bản nào là phù hợp … gi gỉ gì gi các bạn học giỏi cũng biết. Tự tìm kiếm, chọn lọc, sử dụng thông tin là bước quan trọng trong quá trình độc lập, trưởng thành về suy nghĩ. Người học giỏi có quan điểm của họ, chỉ bị ảnh hưởng bởi những quan điểm của người khác nếu nó tích cực.

Hơn nhau là ở chỗ nắm được thông tin.

6. Cầu toàn:
Sự cầu toàn ở mỗi người thể hiện khác nhau, còn tuỳ vào tính cách. Nhưng các bạn sẽ dễ dàng tìm thấy nét cầu toàn nào đó ở những người học giỏi. Dễ hiểu thôi, nếu không cầu toàn, nếu hài lòng với bản thân, họ sẽ không cố gắng hơn nữa. Và không cố gắng hơn hiện tại thì không thể giỏi.
Bạn có thể gặp đâu đó những người: Rất muốn được thầy cô chữa giúp bài viết, và họ đọc những bài chữa đó. Họ có một tệp các bài viết do chính họ làm đã được chép lại không 1 lỗi sai. Các đề đã làm nếu sai dù chỉ 1 lỗi họ sẽ làm lại đến khi đúng hoàn toàn. Họ chép lại các đề đã được chữa vào 1 cuốn vở riêng. Họ có cách quản lý các loại tài liệu khoa học, dễ tìm. Họ tra lại từ điển những từ quen thuộc nếu gặp tình huống sử dụng mới. Họ đặt câu để học từ. Họ coi trọng các kĩ thuật, phương pháp học được và họ hiểu đây chính là điều làm họ giỏi hơn người khác.

Người cầu toàn có xu hướng học giỏi. Người muốn học giỏi sẽ càng ngày càng cầu toàn.

7. Huấn luyện viên:
Mỗi người học giỏi, bằng cách này hay cách khác, đều có 1 huấn luyện viên cho riêng mình. HLV không phải giáo viên, người dạy bạn, mà là người có thể định hướng, động viên, chỉ cho bạn vài điều đơn-giản-nhưng-đúng-lúc, là người có sức ảnh hưởng đến bạn. Nếu đó là người gần gũi, hoặc người cùng lĩnh vực với bạn, thì bạn thật may mắn. Bởi HLV này hiểu bạn, hiểu điều bạn cần, cho bạn cái nhìn cùng chiều. Còn không, cũng không sao. Chỉ cần bạn ngưỡng mộ quan điểm, cách làm việc, hoặc thành tích của một ai đó, hãy giữ điều này trong tim, và họ sẽ trở thành kim chỉ nam giúp bạn lúc cần.

Cần có cho riêng mình một Huấn luyện viên, theo cách nào đó.

8. Mục tiêu, động lực:
Yếu tố được nói đến cuối cùng trong bài viết này, nhưng thực ra lại là điều đầu tiên mà bạn cần để đạt được bất kì điều gì, kể cả mục tiêu học giỏi. Bạn nhìn được đến đâu, sẽ đi được đến đó. Những người học giỏi, dù họ có nói ra hay không, đều có mục tiêu phía trước để đi theo. Bạn cũng muốn học giỏi, hãy làm giống họ. Các bạn nghĩ xem, một ngày ngủ dậy, tự dưng bạn trở nên chăm chỉ và thông minh? Không bao giờ có điều đó đâu, tỉnh lại đi. Nó bắt đầu từ một mong muốn trong trái tim, một suy nghĩ trong lý trí. Rồi mỗi ngày, lan toả và thúc đẩy bạn hành động, nâng đỡ bạn khi vấp ngã hay mệt mỏi.

Muốn thành công, phải bắt đầu từ Tại Sao bạn làm điều đó. Sau đó mới đến Làm Cái Gì và Làm Thế Nào.

Các bạn thân mến, với 8 yếu tố mình “soi” ra từ những người học giỏi, muốn chia sẻ với các bạn. Thật ra, những người học giỏi đều sẵn sàng chia sẻ, nếu bạn thực lòng mong muốn học hỏi và phát triển. Và mình cũng nhắc các bạn, đừng mong học được bí quyết để rồi không cần bỏ công sức cũng tự nhiên giỏi. Đó là điều không tưởng. Bí quyết giúp bạn lên 1 phương tiện nhanh hơn, chứ không giúp giảm quãng đường phải đi đâu. Tự đáy lòng, FiClasse có niềm tin rằng các bạn đều có thể học giỏi. Đừng tự ti, hãy bắt đầu những bước nhỏ đầu tiên. Trái tim sẽ tiếp tục chỉ đường cho bạn.

– Khánh Hà –

Danh ngôn tiếng Pháp về sự tự do


“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn bình đẳng về quyền lợi”
Đây chính là lời trong bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Tự do thực sự vô cùng quan trọng trong cuộc đời của chúng ta. Hãy cùng Fi chiêm nghiệm những định nghĩa về “tự do” phía dưới đây.

1. La plus belle liberté est de choisir avec qui la partager.

Tự do lớn nhất là được lựa chọn chia sẻ nó với ai.

2. La liberté appartient à ceux qui l’ont conquise.

Tự do thuộc về những người chinh phục nó.

3. Nous n’avons qu’une liberté de nous battre pour conquérir la liberté.

Chúng ta có một quyền tự do duy nhất, đó là tự do đấu tranh để chinh phục tự do.

4. Faire ce que tu aimes, c’est la liberté. Aimer ce que tu fais, c’est le bonheur.

Làm những gì bạn thích là tự do. Yêu những gì bạn làm là hạnh phúc.

5. La vie est courte, et la liberté est le plus précieux des biens.

Cuộc sống ngắn ngủi, tự do là thứ quý giá nhất.

6. Il n’y a pas de bonheur sans liberté, ni de liberté sans courage.

Không có hạnh phúc thiếu tự do, cũng không có tự do thiếu can đảm.

7. Être libre, ce n’est pas seulement se débarrasser de ses chaines ; c’est vivre d’une façon qui respecte et renforce la liberté des autres.

Tự do không chỉ là thoát khỏi xiềng xích; tự do còn là sống tôn trọng và ủng hộ tự do của người khác.

8. La liberté est un état d’esprit.

Tự do là một trạng thái của tâm trí.

9. La liberté est l’oxygène de l’âme.

Tự do là dưỡng khí của tâm hồn.

10. La liberté ne se donne pas, elle se prend.

Không ai cho ta tự do, ta phải tự nắm lấy nó.

11. La liberté est l’espace entre ce que nous sommes et ce que nous pouvons devenir.

Tự do là khoảng cách giữa những gì chúng ta đang có và những gì chúng ta có thể trở thành.

12. Le premier trésor de l’homme est la liberté.

Tài sản đầu tiên của con người chính là sự tự do.

– Thanh Ngân –