38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

  • Trang chủ
  • Tin tức
  • Tiếng Pháp trên thế giới vẫn luôn phát triển dù đối mặt với nhiều thách thức

Tiếng Pháp trên thế giới vẫn luôn phát triển dù đối mặt với nhiều thách thức


Nhân Ngày Quốc tế Pháp ngữ 20/3, Viện quan sát Pháp ngữ của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã công bố các số liệu mới nhất cho thấy sự phát triển không ngừng của tiếng Pháp trên thế giới kể từ năm 2018 đến nay.

Mặc dù tốc độ tăng đang có xu hướng chậm lại, nhưng với 321 triệu người nói tiếng Pháp thì ngôn ngữ này vẫn được sử dụng nhiều thứ 5 sau tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hindi và tiếng Tây Ban Nha.

Theo “Báo cáo về ngôn ngữ Pháp trên thế giới năm 2022,” công bố ngày 17/3 tại thủ đô Paris, toàn thế giới hiện có 321 triệu người sử dụng tiếng Pháp.

So với con số 300 triệu người thống kê năm 2018, thì xu hướng này cho thấy tiếng Pháp vẫn tiếp tục tục là ngôn ngữ hấp dẫn, đặc biệt là giới trẻ và châu Phi.

Phần lớn những người nói tiếng Pháp hàng ngày sống ở lục địa Đen. Tỷ lệ này chiếm đến 62%, tăng 2,5 điểm so với năm 2018.

Khu vực tiểu vùng Sahara châu Phi và Ấn Độ Dương đã có mức tăng trưởng lớn nhất kể từ năm 2018 với 15%.

Tuy nhiên, tương lai của tiếng Pháp ở lục địa này vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số điều kiện nhất định liên quan đến giáo dục ở các nước phía Nam, nơi tiếng Pháp là ngôn ngữ giảng dạy cho gần 75 triệu học sinh và sinh viên.

Cũng theo báo cáo, ngoài 93 triệu học sinh, sinh viên đang học tập bằng tiếng Pháp, thì ngôn ngữ này hiện đang là ngoại ngữ được học nhiều thứ hai trên thế giới.

Xu hướng này hiện đang phát triển ở tất cả các châu lục, ngoại trừ châu Âu, nơi các chính sách giáo dục vẫn chưa đủ cởi mở với sự đa dạng ngôn ngữ.

Trong số 51 triệu người học tiếng Pháp như một ngoại ngữ, gần 70% sống ở lục địa châu Phi.

Mặc dù có những bước phát triển đáng khích lệ, nhưng tiếng Pháp vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thách thức đầu tiên là nguy cơ đơn ngữ trong các tổ chức quốc tế.

Trong khi tiếng Pháp phát triển mạnh ở các nước và trong các khu vực, thì trên các diễn đàn quốc tế, việc sử dụng đơn ngữ hiện đang có xu hướng phát triển.

Theo bà Louis Mushikiwabo, tổng thư ký OIF, một trong những điều kiện thiết yếu của chủ nghĩa đa phương là đa ngôn ngữ.

Nhưng điều này đang ngày càng bị xem nhẹ trong hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực, nơi các văn bản được sản xuất và lưu hành về cơ bản bằng một ngôn ngữ duy nhất: tiếng Anh.

Để “đẩy lùi nguy cơ suy giảm tiếng Pháp,” bà Tổng thư ký Pháp ngữ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của 88 quốc gia thành viên của OIF và Nhóm các đại sứ nói tiếng Pháp về đề xuất thiết lập một “hệ thống giám sát, cảnh báo và hành động” việc sử dụng tiếng Pháp và đa ngôn ngữ trong các tổ chức quốc tế đa phương.

Trên nền tảng kỹ thuật số, tiếng Pháp cũng là một trong những ngôn ngữ được sử dụng nhiều, đứng vị trí thứ tư trên Internet, chỉ sau tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha.

Mặc dù tiếng Pháp thể hiện mức độ toàn cầu hóa trên mạng chỉ sau tiếng Anh, nhưng tác động của sự chênh lệnh về năng lực kỹ thuật số giữa các vùng nói tiếng Pháp hiện đang là một thách thức lớn đối với sự phát triển của nó.

Đó là chưa kể ngay cả tiếng Anh cũng bị thu hẹp địa bàn do sự hiện diện ngày càng nhiều ngôn ngữ của các nước châu Á và thế giới Arab trên các nền tảng kỹ thuật số.

Cuối cùng là khả năng khám phá nội dung văn hóa bằng tiếng Pháp trên các nền tảng số cũng như việc phổ biến các sản phẩm văn hóa, âm nhạc và nghe nhìn trên Internet cũng đặt ra những thách thức mới đối với sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa bằng tiếng Pháp.

“Báo cáo về ngôn ngữ Pháp trên thế giới năm 2022” là báo cáo thứ 5 do Viện quan sát Pháp ngữ thực hiện thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu về tình hình tiếng Pháp theo quốc gia, theo lĩnh vực hoạt động và trong các tổ chức quốc tế để có số liệu thống kê đáng tin cậy về địa điểm và việc sử dụng tiếng Pháp trên thế giới.

Báo cáo này sẽ là cơ sở gợi mở những suy nghĩ hướng tới tương lai của ngôn ngữ tiếng Pháp. Còn bạn, bạn nghĩ sao về lựa chọn học tiếng Pháp của mình?

– Nguồn: Tổng hợp –