38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

[THPT QG] Ôn thi môn tiếng Pháp như thế nào khi chỉ còn vài ngày?


Chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ thi quan trọng nhất trong năm,  bạn đang ôn tập như thế nào rồi? Chắc hẳn lúc này, bạn đang “luyện đan” bằng các đề luyện thi, hoặc của thầy cô giao, hoặc bạn tự sưu tầm. Bạn lựa chọn việc liên tục làm đề mới hay việc ôn lại những đề cũ đã làm? Và nếu xem lại đề cũ thì bạn xem như thế nào?

(Bài viết này hướng dẫn về việc ôn thi tiếng Pháp. Nhưng cách tư duy này bạn có thể áp dụng sang các môn khác nữa nhé).

Fi biết nhiều bạn đang rất lo lắng, liên tục muốn làm đề mới với mong muốn va vấp với nhiều tình huống hơn trước khi thi. Nhưng bạn ơi, những đề đã làm bạn có bao giờ xem lại không? Đây mới chính là điểm mấu chốt giúp trình độ của bạn tăng lên. Nếu hôm nay bạn làm đề này, ngày mai bạn làm đề khác mà không chịu khó xem lại, bạn sẽ tiến rất chậm, rất rất chậm.

Dưới đây là trải nghiệm của một bạn học viên:

“Còn nhớ ngày xưa ôn thi, tôi liên tục xin đề mới của cô giáo để ôn tập. Đến một ngày, cô cho tôi một đề, tôi làm thì thấy rất quen. Cô bảo rằng đề này đã cho làm 2 lần trước đó rồi và yêu cầu tôi tìm lại bài cũ để đem ra so sánh điểm. Tôi đã thử tìm lại trong đống gần 50 đề ôn thi của tôi, và đúng là tôi đã làm 2 lần trước đó thật. Nhưng vấn đề khiến tôi bàng hoàng là điểm số qua các lần làm bài của tôi không hề dịch chuyển. Những câu tôi đã làm sai, tôi vẫn sai lại, những câu tôi phân vân, tôi vẫn tiếp tục phân vân y như trước. Thất vọng kinh khủng, tôi cảm thấy mình chẳng tiến bộ lên chút nào. Một sự thật buồn tê tái vừa vả vào mặt tôi.”

Các bạn thấy đấy, làm đề mới liên tục chưa chắc đã hiệu quả, nếu không rút ra kinh nghiệm thì có làm 5, làm 10 lần cũng vẫn lặp lại lỗi cũ, và những từ mới trong các đề thì vẫn mãi là từ “mới”, nhiều khi nhớ nhớ quên quên mà thành tẩu hỏa nhập ma. Nếu vô tình rơi vào trường hợp như bạn học sinh trên thì còn bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc tiêu cực, mất tự tin vào bản thân. Trong khi thật ra, bản thân bạn tốt hơn như vậy rất nhiều. Và nghiêm trọng hơn, bạn nghĩ sao nếu sau khi thi, bạn phát hiện câu bạn làm sai là câu đã được làm và chữa trong khi ôn tập? Vậy cần làm gì để tìm được phiên bản tốt nhất của mình để mang vào phòng thi?

Việc mà bạn thực sự cần làm là xem lại thật kĩ những đề đã làm rồi.

Đầu tiên, hãy chọn ra khoảng 10 đề tiêu biểu nhất, có thể là những đề mà bạn mắc lỗi sai nhiều nhất, hoặc khiến bạn hứng thú nhất, hoặc đơn giản là bạn thích nhất. 10 đề này chính là thứ mà bạn cần tập trung nhất vào thời điểm hiện tại, chỉ thế thôi. Sau đó kiên trì làm theo chỉ dẫn sau:

+ Bước 1: Hãy xem lại tất cả những câu đã làm sai trong từng đề, lý giải lý do tại sao mình lại chọn sai, tư duy của mình lúc đó thế nào, và tư duy đúng thì phải thế nào. Thậm chí, bạn còn phải xem lại cả những câu dù đã chọn đúng nhưng trước đó còn phân vân, không chắc chắn. Biết đâu bạn chọn đúng chỉ bởi “ăn may” thì sao? Nói tóm lại, bạn cần học lại cẩn thận tất cả những câu đó.

+ Bước 2: Học cách kiểm tra bài thi theo đúng kỹ thuật khi ngồi trong phòng thi. Có 1 vấn đề nghiêm trọng xảy ra ở rất nhiều bạn học sinh là khi làm đề luyện, không hề kiểm tra lại. Làm xong là gấp sách đóng bút. Điều này khiến kết quả lúc ôn tập không phản ánh trình độ thực sự của bạn. Bạn nhớ lại xem, đã bao nhiêu lần khi thầy cô chữa bạn phải thốt lên “Ừ nhỉ”. Theo thống kê của một cô giáo với các học sinh cô từng dạy, việc kiểm tra lại để tự chữa lỗi có thể giúp bạn chữa được trung bình 30% số lỗi cơ đấy. Mà bạn biết đấy, trước kỳ thi quan trọng như vậy, 0.1 điểm cũng cần chắt chiu. Việc không học cách và luyện tập kiểm tra lại bài khi làm xong dẫn đến khi vào thi thật, nhiều bạn vẫn quên không kiểm tra, hoặc kiểm tra nhưng lại không tự sửa lỗi được. 

Kiểm tra lại bài thi trong phòng thi chính là việc bạn tư duy lại từng câu, không bị ảnh hưởng bởi tư duy cũ, bởi đáp án mình đã chọn và làm lại bài thi như lần đầu tiên. Sau đó so sánh với đáp án mình đã chọn. Nếu nó khác nhau, bạn xem lại cẩn thận lần nữa. Như vậy cơ bản, mỗi câu được kiểm tra ít nhất 2 lần. Những câu khiến bạn phân vân thì được kiểm tra 3 lần.

Việc chọn ra 10 đề, hoặc 20 đề rồi ngồi kiểm tra sẽ giúp não bạn cùng lúc ôn lại rất nhiều kiến thức, đồng thời, khi làm việc này tại nhà, bài viết này đang được mở ra trước mắt…

Đọc đến đây, có bạn nào thấy “Cái gì mà phức tạp quá vậy?” không? Thật ra tư duy trong đầu sẽ rất nhanh, bạn ạ. Bài viết dài là do Fi diễn giải kỹ lưỡng để bạn hiểu rõ thôi. Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao chúng ta làm bài thi ngoại ngữ thường không hết thời gian không? Là do tác giả đề thi luôn phải tính toán cho bạn cả thời gian để bạn kiểm tra lại một cách chắc chắn đấy. 

Nhìn chung, làm xong bài thi môn nào cũng cần kiểm tra lại cẩn thận như vậy. Nhưng mỗi môn có đặc thù riêng, cần bạn chú tâm theo cách khác nhau. Dựa vào cách ôn thi môn tiếng Pháp này, hãy tìm ra cho mình cách kiểm tra lại tốt nhất cho các môn khác nữa nhé.

Bạn hãy kiên trì làm từng bước như trên, để hình thành thói quen cho não nhé. Bạn sẽ không ngờ được việc nhỏ này sẽ giúp bạn xuất thần thế nào khi vào phòng thi đâu.

Cơ bản, cách ôn thi hiệu quả những ngày cuối sẽ là như vậy. Nếu bạn còn có đủ thời gian, bạn có thể tăng từ 10 đề lên thành 20 đề. Nhưng vẫn hãy chỉ chú tâm vào những đề đã chọn thôi nhé, không nên bị xao nhãng bởi việc nhất định phải làm đề mới.

Có thể bạn chưa biết: Thủ khoa năm 2020 của khoa Pháp trường Đại học Hà Nội cũng chỉ luyện có 30 đề tiếng Pháp theo cách Fi đang hướng dẫn bạn trong suốt thời gian học tập và ôn thi. Điểm mấu chốt khiến bạn này được 10 điểm môn tiếng Pháp chính là việc chú tâm ôn đi ôn lại những thứ đã học, đã làm.

Chúc các bạn ôn thi thật hiệu quả trong những ngày cuối. Nhớ nhé, 10 đề hoặc 20 đề, và điểm 10. 

Xem 4 bước tiếp theo để ôn tập trước ngày thi  THPT QG tại: 4 bước ôn tập trước ngày thi tiếng Pháp THPT QG – Học tiếng Pháp (tiengphapthuvi.fr)

– Khánh Hà –