38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Những nước cũng có tục cúng lễ ông Công, ông Táo


Les pays qui fêtent aussi le génie du foyer

Trong bài viết trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về lễ cúng Táo Quân của người Việt. Sau khi đọc bài viết ấy, rất nhiều bạn có thắc mắc rằng : Phải chăng mỗi nước Việt Nam của mình có tục lệ này ?  

Các bạn thân mến, không chỉ Việt Nam mà một số nước ở châu Á cũng có duy trì phong tục truyền thống này nha. Nếu bạn muốn biết đó là những nước nào thì hãy đón xem bài viết này.

1. En Chine (Trung Quốc)

Ở Trung Quốc, ta thấy Tết Táo quân cũng gần giống như của Việt Nam. Họ cũng dâng mâm cúng vào ngày 23 tháng Chạp để tiễn các vị thần bếp gia đình lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu của mọi người trong một năm qua.

Tuy nhiên, có một vài điểm khác biệt so với truyền thống của người Việt. Đầu tiên, họ gọi vị thần của mình là Táo Vương, và Táo Vương của họ chỉ có một ông một bà. Tiếp đó, sự khác biệt được thể hiện ở mâm lễ : mâm gồm một nắm gạo nếp, bánh đường, bánh rán chiên giòn và súp đậu. Cuối cùng, thay vì cúng cá chép, người Trung Quốc thường cúng nước và chút cỏ khô, coi đây là thức ăn cho ngựa đưa Táo lên chầu trời.

2. En Corée du Sud (Hàn Quốc)

Ngày 29 tháng Chạp là ngày cúng thần bếp của người dân xứ Hàn. Họ gọi vị thần của mình là Jowangshin – nữ thần mang hình dáng của nước. Theo truyền thuyết, sự xuất hiện của bà là để giúp các gia đình người Hàn rửa trôi mọi sự đen đủi, chào đón những điều bình an và tốt đẹp trong năm mới. 

Vào ngày này, người dân thường chuẩn bị một bữa cơm cúng bao gồm hoa quả và các loại bánh rán để tỏ lòng tôn kính vị nữ thần. Ngoài ra, họ còn đặt một chén nước nhỏ dưới bếp, và chén nước này sẽ được người phụ nữ trong nhà thay thường xuyên vào mỗi ngày mồng một và rằm hàng tháng.

3. À Singapour (Singapore)

Người dân Singapore cũng có lễ cúng vào ngày 23 tháng Chạp như người Việt và Trung Quốc. Họ có tục lễ đốt hình nhân ông Táo để tiễn ngài về trời.

Về mâm cúng, cơ bản khá giống Việt Nam, tuy nhiên họ sẽ phết mật ong, đường, rượu ngọt lên môi của hình ông táo với mong muốn Táo quân sẽ báo cáo những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng.

4. Au Japon (Nhật Bản)

Vị thần bếp của người Nhật là Daikokuten (Thất Phúc Thần) – chủ sự mọi chuyện nhà cửa, bếp núc và tài lộc của gia chủ. Dân gian nói rằng ngài là vị thần của ngũ cốc, là một trong 7 vị thần may mắn của người Nhật. Ngài có khuôn mặt to lớn, nụ cười sảng khoái, thường cầm theo một cái vồ bằng vàng – đây là cái vồ may mắn, mang lại tiền tài, và ngài thường được khắc họa ngồi trên chĩnh gạo, đặc biệt có những con chuột chạy quanh với ý nghĩa gia chủ có nhiều của, chuột biết nên kéo đến xin ăn.

Ở Nhật, mỗi khi dịp năm mới đến, người ta thường bày bán những bức tượng thần Daikokuten – một biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng. Dù vậy, họ không làm lễ cúng. Hình ảnh thần Daikokuten trước đây còn từng được khắc họa trên những tờ tiền của Nhật Bản.

***

Ồ, vậy hóa ra ở châu Á còn nhiều phiên bản khác của lễ cúng Táo quân đấy nhỉ. Qua khám phá này, ta nhận thấy rằng người dân khu vực châu Á rất coi trọng vị thần bếp của gia đình, luôn coi thần bếp là vị thần của sự sung túc, và hạnh phúc gia đình. Các bạn còn biết quốc gia nào có tục lệ cúng thần bếp nữa không?

– Ánh Tuyết –