Nghề giáo: Sau ánh hào quang
Nghề giáo từ xưa đến nay vẫn luôn được coi là một nghề vô cùng cao quý, được xã hội coi trọng và tôn vinh. Thật vậy, nhớ lại ngày xưa, mỗi lần 20/11, thầy cô trên trường được tặng biết bao nhiêu là hoa, bao nhiêu là quà, nhìn mà thích mê. Mẹ mình thường bảo: “Đấy con xem, sau này làm giáo viên thì sẽ được nhiều quà như vậy đấy.” Và mẹ vẫn luôn ấp ủ trong đầu ý nghĩ rằng nghề giáo thực đơn giản, nhàn nhã, không lo toan, không áp lực gì. Nhưng mọi người nào đâu có biết rằng đằng sau ánh hào quang ấy là biết bao nỗi khổ, biết bao nỗi vất vả khó nói nên lời.
Đầu tiên, nỗi khổ “nhất quỷ, nhì ma, THỨ BA HỌC TRÒ”.
Việc truyền đạt kiến thức cho học sinh đã khó, nhưng việc đối mặt với những trò nghịch ngợm của chúng còn đau não hơn. Các cô các cậu học trò tuổi này dường như luôn dồi dào và dư thừa năng lượng, ngoài dùng để học hành ra, chúng còn luôn nghĩ ra những trò đùa quái gở mà đôi khi giáo viên cũng phải chịu thua. Hơn nữa, giáo viên chủ nhiệm chính là người mệt mỏi nhất khi phải giải quyết từng vấn đề nhỏ trong lớp, mà đã giải quyết thì nhất định phải vừa hợp tình, vừa hợp lý, làm cho học trò tâm phục khẩu phục.
Thứ hai, bệnh liên quan đến nghề nghiệp.
Đã chọn nghề giáo thì ít nhất phải vài ba lần bị khản giọng, mất tiếng. Một tiết học 45 phút thì phải nói hết 30 phút, đã nói thì phải nói to, nói rành mạch rõ ràng, một ngày nói cả 5 tiết thì khác gì phá banh cổ họng. Rồi thì chưa kể phải hít bụi phấn từ ngày này qua tháng khác, cho nên ho, đau rát họng đã trở thành bệnh mãn tính và đặc trưng của nghề giáo rồi. Còn nữa, giáo viên phải đứng liên tục mỏi nhừ cả hai chân, khớp tay cũng rệu rã vì viết bảng. Đấy, mọi người xem có nhàn nhã gì không!
Thứ ba, bận không có thời gian thở.
Ôi ai nói làm giáo viên chỉ phải làm việc giờ hành chính là lừa đảo rồi! Nghề giáo ngoài dạy học trên lớp, còn phải đi học bồi dưỡng, kiêm nhiệm các chức vụ và dự án của trường, rồi soạn bài, chấm điểm, sổ sách này nọ kia nữa là phải “tăng ca” đến nửa đêm. Và thế là hết một ngày như vậy đó.
Vấn đề thứ 4, hơi tế nhị một tý, đó chính là lương.
Câu chuyện lương cơ bản là một vấn đề nhức nhối nhưng cũng hết sức tế nhị. Cao hay thấp thì chắc mọi người cũng biết rồi. Tóm lại là chỉ đi dạy không thì… khó mà trang trải cuộc sống. Chính vì thế nên các thầy, các cô mới phải có thêm nghề tay trái, tay phải, rồi hai ba tay luôn để còn phòng thân, đám cưới đám hỏi đồng nghiệp, học sinh cũ, bla blo. Thôi, nói đến đây thôi, không nên đi sâu thêm vào vấn đề này ahihi.
Thứ 5, lúc nào cũng phải có giới hạn.
“Hôm nay mặc gì?” Đây luôn là một câu hỏi khó khăn đối với giáo viên. Mặc gì mà lại vừa phải kín đáo, vừa phải nhã nhặn, lịch sự. Ăn mặc “thoải mái” một tý là bị học sinh, phụ huynh “ý kiến” ngay. Kể cả giáo viên có trẻ đến mức nào cũng vậy thôi. Rồi cách cư xử, ăn nói, biểu cảm, tất cả đều phải được nhét vào trong một khuôn thước chuẩn mực. Mình có bạn làm giáo viên, có lần rủ nó đi bar cho biết mùi, nó giãy nảy: “Tao là giáo viên, làm sao đi bar được, nhỡ gặp học sinh, phụ huynh thì sao? Không được!” Ủa vậy cứ là giáo viên là không được đi bar, không được tụ tập bè bạn, không được hát hò, vui chơi à? Ôi, đối với giáo viên luôn luôn phải có những chừng mực, giới hạn thật… mệt mỏi như vậy…
Và đó, trên đây là những nỗi khổ thống thiết của các thầy cô giáo mà không phải ai trong chúng ta cũng biết được. Làm được cái nghề vinh quang mà vất vả, đau não này chắc hẳn người thầy, người cô ấy phải đam mê, phải yêu nghề lắm. Thật sự khâm phục họ biết bao! Và vì thế, đôi khi học sinh, phụ huynh cũng phải cố gắng thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông và yêu thương, tôn vinh họ, để từ đó, họ có thêm động lực tiếp tục con đường gian truân này – con đường “trăm năm trồng người”.
———
Nhân kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, FiClasse chúc tất cả các thầy, các cô, và bất cứ ai đã, đang và sẽ theo con đường giảng dạy một sức khỏe dồi dào, một nguồn nhiệt huyết không bao giờ lụi tắt, chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với thầy cô. Mong rằng thầy cô luôn thành công và được nhận được thật nhiều tình cảm của học trò trên con đường giảng dạy!
Bonne fête des enseignants vietnamiens!
– Ánh Tuyết –