38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Khám phá 5 bí quyết ghi nhớ thần thánh để học tốt hơn


Có bao giờ bạn mong ước sở hữu một chiếc bánh mì thần kỳ như của Doraemon để có thể ghi nhớ mọi kiến thức và lấy ra khi cần?

Việc phải ghi nhớ trong học tập cũng như trong cuộc sống đôi khi gây cho ta rất nhiều khó khăn. Có những lúc ta tưởng chừng như bộ nhớ của não đã đầy, nhưng điều đó chắc chắn là không đúng bởi theo tính toán mới nhất của các nhà khoa học về khả năng ghi nhớ của não, dung lượng bộ nhớ của não lên đến ít nhất một petabyte, nghĩa là xấp xỉ với lượng thông tin lưu trữ trên mạng toàn cầu (World Wide Web). Có ấn tượng không nào? 

Vậy thì việc chúng ta gặp khó khăn trong ghi nhớ chỉ đơn giản là do ta chưa biết đến các phương pháp giúp não bộ thôi. Hãy cùng Fi khám phá 5 bí quyết giúp ghi nhớ tốt của chiến lược gia Alessio Bresciani, người đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật số và điện thoại di động nhé.

1. Répéter ce que l’on a appris (Lặp lại những gì đã học)

Việc lặp đi, lặp lại một việc là rất quan trọng, bằng cách đó kiến thức mới có thể đi từ nhận thức đến tiềm thức. Giống như Bruce Lee, người sáng tạo ra Triệt quyền đạo đã từng nói: “Tôi không sợ những người đàn ông đã luyện tập 10.000 cú đá khác nhau một lần, mà tôi lại sợ những người đã tập luyện đến 10.000 lần cho một cú đá”.

Như vậy, bất kỳ một kỹ năng nào muốn nhuần nhuyễn thì chúng ta hãy liên tục thực hành thật nhiều lần. Điều đó sẽ giúp ta làm chủ kỹ năng.

2. Concentration (Sự tập trung)

Chúng ta không thể học khi đang ngồi trong một phòng với tiếng TV lớn, ta cũng không thể đọc sách khi mà bên ta luôn có những tiếng chuông điện thoại, tiếng thông báo mạng xã hội không ngừng nghỉ.

Để học một kỹ năng mới, chúng ta cần tìm kiếm một khung thời gian thích hợp để tập trung vào việc học kỹ năng, tránh xa những sự điều gây xao nhãng.

Ví dụ, khi đọc sách, chúng ta chỉ nên nghe nhạc không lời vì nó không làm ta phân tâm khỏi những nội dung đang đọc.

3. De la vue d’ensemble aux détails (Từ tổng quan đến chi tiết)

Hãy chủ động tư duy theo cách từ tổng quan đến chi tiết, chỉ có như vậy, ta mới có một hình dung cụ thể. Nếu ta bắt đầu tìm hiểu các chi tiết một cách quá sớm, ta có thể sẽ bỏ qua hay hiểu sai cái nhìn toàn cảnh về sự việc.

 Ví dụ : Khi đọc sách, ta nên đọc từ mục lục (bối cảnh, mối liên kết giữa các phần), sau đó mới quan tâm đến chi tiết.

4. Connexion (Mối liên kết)

Việc tạo ra các mối liên kết là rất quan trọng, chỉ khi chúng ta xâu chuỗi các yếu tố lại, ta mới có thể nhớ nhanh, nhớ đầy đủ và nhớ lâu. Đây chính là cách để một người nhớ lại trình tự đầy đủ trong một chuỗi sự kiện.

5. Vitesse (Tốc độ)

Đặt mình vào áp lực giúp ghi nhớ nhanh hơn! Khi có áp lực vừa phải, ta sẽ sản sinh ra các chất giúp não bộ tập trung, việc ghi nhớ từ đó cũng dễ dàng hơn. Ví dụ : nếu ta đang tập trình bày một bài thuyết trình, hãy thử nói với tốc độ nhanh gấp hai lần so với lần thực hiện cuối cùng. Điều này giúp ta đảm bảo có thể nhớ hết toàn bộ lượng thông tin và từ đó, khi ta làm thật trên sân khấu, bài thuyết trình có thể được trình bày ở tốc độ bình thường mà không có áp lực nào cả.

Vậy còn chờ đợi gì nữa mà không áp dụng ngay 5 bí quyết trên để giúp tiết kiệm thời gian học tập, cũng như khiến não nhàn nhã hơn. Chúc các bạn thành công!

– Ánh Tuyết –