[THPT QG] Làm gì khi bị mất gốc?
Chào các sĩ tử, các bạn đang đứng trước một kỳ thi vô cùng quan trọng trong sự nghiệp học tập của mình. Nhiều người trong chúng ta đã chuẩn bị cho kỳ thi này từ rất sớm, có người từ đầu lớp 12, thậm chí có người còn từ đầu lớp 10. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bạn vì lý do nào đó đã không thể chuẩn bị từ sớm và hiện đang phải đối mặt với tình trạng MẤT GỐC nghiêm trọng, khó lòng đạt được thành tích cao trong kỳ thi. Vậy phải làm sao khi bị mất gốc?
Fi hiểu rằng hiện các bạn đang rất hoang mang, lo lắng, áp lực vì làm đề thi thử mà điểm thấp lẹt đẹt. Nhưng càng lúc này, bạn lại càng cần phải tỉnh táo và bình tĩnh. Đừng tập trung vào vấn đề, hãy tập trung vào giải pháp. Để giải quyết cho câu hỏi phải làm gì khi bị MẤT GỐC thì câu trả lời đơn giản chính là … LẤY LẠI GỐC. Vậy làm sao để lấy lại gốc? Các bạn có 2 lựa chọn dưới đây.
1. Tự mình lấy lại gốc
Nếu bạn đủ tự tin vào bản thân thì hãy tự mình tìm lại gốc. Việc bạn rất cần đó là xem lại sách giáo khoa, sách bài tập và vở ghi của toàn bộ những môn cần thi. Hãy tổng hợp kiến thức một cách có hệ thống dựa trên đó. Nếu bạn không ghi chép gì trong suốt năm học thì bạn cần mượn ngay vở của bạn mình. Chú ý là hãy mượn vở của những bạn chép bài cẩn thận và học khá nhé.
Kiến thức trong sách giáo khoa và bài tập chính là GỐC của bạn, không cần đi kiếm tìm đâu xa. Sau đó, bạn hãy xem lại những bài kiểm tra trong năm học của mình, nếu có thể thì hãy làm lại. Và trong trường hợp bạn còn thời gian thì hãy đi kiếm bài khác để luyện, bởi việc bạn tổng hợp kiến thức trong sách giáo khoa và bài tập đã tốn khá nhiều thời gian rồi.
Nếu bạn chưa hiểu mảng kiến thức nào thì đừng ngại ngần hỏi thầy cô, bạn bè. Hãy học cho mình, chứ không phải học vì bất cứ ai.
“Petit à petit, l’oiseau fait son nid” – Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ
Vậy nên bạn cứ bình tĩnh, tiến chậm nhưng tiến chắc, chớ vội vàng mà đánh rơi những thứ quan trọng.
Nếu bạn muốn biết cụ thể cách tổng hợp và hệ thống kiến thức hiệu quả, bạn có thể tham khảo thêm bài viết dưới đây:
https://tiengphapthuvi.fr/thpt-qg-2022-he-thong-kien-thuc-quyet-dinh-90-diem-so-bai-thi/
2. Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô gia sư:
Vậy nếu bạn không còn đủ thời gian và tâm lý không còn đủ vững vàng thì sao? Hãy nhờ thầy cô dạy kèm riêng cho mình hoặc thuê một người gia sư chất lượng, biết hệ thống kiến thức một cách rõ ràng.
Điểm tốt của việc học gia sư là dạy và học một thầy – một trò nên bạn được tương tác trong học tập. Điều này giúp cho thầy cô gia sư có thể nắm bắt và theo sát được năng lực học tập của bạn và đưa ra những phương án phù hợp nhất trong việc dạy và học.
Thầy cô gia sư sẽ đưa ra định hướng và chiến lược cụ thể, khiến các bạn không còn hoang mang, không còn “đơn thương độc mã” nữa. Từ đó, các bạn cũng bớt lo lắng, áp lực, học hành cũng thoải mái và hiệu quả hơn.
Lựa chọn thuê gia sư hay không là do quyết định ở bạn. Hãy xem lại khả năng của bản thân, nếu thấy cần thì hãy nói chuyện với bố mẹ về việc này. Nhưng đừng để muộn quá mới quyết định việc này nhé.
Còn về phần các bố mẹ, vẫn biết là đến lúc này con còn mất gốc thì bố mẹ rất sốt ruột. Nhưng để đạt được mục tiêu giúp con đỗ được vào ngành mong muốn, hãy theo dõi tâm lý của con mình và có thái độ phù hợp. Thứ con cần nhất lúc này là sự giúp đỡ chứ không phải là thêm áp lực. Hãy hỏi con xem con cần bố mẹ giúp gì, có cần thuê gia sư không, hay con có thể tự học được … Vai trò phụ huynh lúc này là rất quan trọng, đôi khi bố mẹ nghĩ con đang không nghe lời mình, nhưng thực ra chúng ta nói gì các con vẫn đang nghe và ảnh hưởng từ chúng ta đấy. Cách chúng phản ứng với bố mẹ chưa hẳn là những gì chúng đang nghĩ.
Tựu chung lại, nếu bạn bị mất gốc thì cần lấy lại gốc và bạn có thể áp dụng 1 trong 2 cách trên. Hãy hiểu bản thân, bình tĩnh và từng bước làm chủ kiến thức. Chúc các bạn lấy lại được gốc của mình và chuẩn bị tâm lý thật tốt khi đi thi.
– Ánh Tuyết –