[THPT QG] Bị nản trong lúc đang ôn thi thì nên làm gì?
Trong quá trình ôn thi THPT Quốc Gia, ngay cả khi bạn đã có kế hoạch cụ thể thì vẫn có những lúc bạn bỗng hoang mang, áp lực và thậm chí thấy nản lòng. Vậy làm gì trong những tình huống này? Fi sẽ giúp các bạn tháo gỡ từng chút một nhé.
Ngay khi bạn cảm thấy hoang mang, áp lực hay nản lòng, bạn nhất định phải tìm ra lý do cho những cảm xúc này, bởi tìm ra lý do thì bạn mới tìm ra được giải pháp. Có rất nhiều nguyên nhân có thể kể tới như:
1. Thời gian còn ít nhưng kiến thức cần học còn nhiều
Đây là áp lực của những sĩ tử đang phải ôn thi cấp tốc đây. Nhưng trước tiên, hãy nghe câu chuyện về “nghịch lý” trong bài tập chống chết chìm của Hải quân SEAL.
Có một bài tập trong chương trình huấn luyện Hải quân SEAL gọi là “chống chết chìm”. Người ta trói chân trói tay bạn lại, và ném xuống một bể bơi sâu 2,7 mét. Nhiệm vụ của bạn là sống sót qua 5 phút. Gần như mọi sĩ quan đều không vượt qua bài tập này. Khi họ bị quăng xuống nước, nhiều người bắt đầu hoảng sợ và hét lên muốn được kéo trở vào. Một số thì vật lộn tới khi họ trượt xuống nước, bắt đầu mất ý thức và phải chờ tới khi được kéo lên và sốc lại. Trước đây thậm chí đã từng có một số thực tập sinh mất mạng trong bài tập này. Tuy nhiên một số khác thì lại thành công bởi họ hiểu được nghịch lý: càng hoảng sợ thì lại càng dễ chết. Khi bạn hoảng sợ, bạn sẽ tiêu tốn nhiều oxy hơn và từ đó dễ bất tỉnh và chết chìm hơn. Thay vào đó, bạn hãy bình tĩnh, tận dụng quy luật vật lý: để cơ thể tự chìm xuống nước, sau đó đạp chân nhẹ nhàng đẩy mình lên khỏi mặt nước rồi lấy một hơi thở nhanh.
Vậy bài học ở đây cho các sĩ tử là gì? Càng hoảng loạn, hiệu quả ôn thi sẽ càng giảm. Đừng quá quan tâm đến những thứ mình chưa nắm đc, trước tiên hãy quan tâm đến những phần mình đã học và làm sao đặt bút xuống làm bài là chắc chắn làm đúng. Còn những phần còn lại học được đến đâu thì quý đến đấy. Hãy nhớ lấy điều này.
2. Các đề đang luyện có nhiều bài khó quá
Ôi, sao tự dưng đợt này thầy cô cho nhiều đề khó thế, làm mà điểm thấp lẹt đẹt, phải chăng mình quá dốt, phải chăng mình không đủ năng lực để đi thi… bla bla bla…
Hãy hiểu rằng trong đề thi thì chỉ có một phần khó thôi, những phần còn lại là kiến thức cơ bản. Chẳng qua đợt này thầy cô của bạn muốn luyện những bài khó để học sinh giỏi hơn, thậm chí có cơ hội dành điểm tối đa thôi. Thay vì lo lắng thì xem kỹ bài khó thầy cô đã chữa xem mình có hiểu được không. Biết đâu khi đi thi, dạng bài quen thuộc lại gợi ý cho bạn nhiều điều.
3. Kỳ vọng từ gia đình, thầy cô
Cha mẹ và thầy cô kỳ vọng vào các sĩ tử là điều dễ hiểu. Song, đôi khi sự kỳ vọng này lại gây nhiều áp lực cho các bạn. Đối với trường hợp này thì tốt nhất bạn nên tạm gạt đi, tập trung vào chính bản thân mình thôi. Còn nếu không chịu được thì hãy ngồi xuống nói chuyện, chia sẻ thẳng thắn những suy nghĩ, cảm xúc và những lo lắng của mình để họ hiểu và thông cảm hơn.
4. Kỳ vọng của bản thân sĩ tử
Được danh hiệu học sinh giỏi, được điểm số cao, thầy cô bạn bè ngưỡng mộ… Tất cả những thành tích trước đây đã vô tình tạo gánh nặng lên bản thân các bạn. Vậy thì bạn cần phải thay đổi chính suy nghĩ của mình. Kỳ thi này không phải là tất cả và nó không quyết định toàn bộ cuộc đời của bạn. Hơn nữa, để đạt được kết quả cao như kỳ vọng thì trước tiên phải hết sức bình tĩnh và tự tin, điều đó đã giúp các bạn chiến thắng 50% rồi.
Còn rất nhiều những nguyên nhân khác và tất nhiên đi kèm với các cách giải quyết khác, nhưng điều quan trọng là bạn phải xác định được áp lực đến từ bản thân bạn hay từ yếu tố xung quanh. Nếu đến từ yếu tố xung quanh thì hãy gạt phăng nó đi, chỉ tập trung vào bản thân bạn thôi.
Dưới đây, Fi sẽ gợi ý cho các bạn một số cách giải tỏa stress ngay lập tức vô cùng hiệu quả:
- Nghỉ, tạm dừng việc ôn bài để lấy lại tinh thần dù có gấp đến mấy
Nếu như tinh thần không ổn định, đang có vấn đề về sức khỏe, bị stress thì hãy dành thời gian nghỉ ngơi để lấy lại tinh thần rồi mới học tiếp. Việc ép bản thân cố học không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn khiến tinh thần bất ổn hơn. Bạn có thể nghe một bản nhạc, xem một bộ phim, đọc sách một chút, vận động thể thao hoặc chỉ đơn giản là đi dạo một vòng quanh nhà, hoặc ra ngoài hít thở khí trời. Khi ấy, bạn sẽ bình tâm hơn rất nhiều.
- Ôn thi vào thời điểm cảm thấy “tinh thần lên cao” nhất
Với một số người, họ cảm thấy nguồn năng lượng tích cực trong cơ thể lên cao nhất là vào buổi sáng. Vì thế, đó là thời điểm họ có thể học tập, làm việc hăng say, không dễ nản lòng. Thế nhưng, không phải ai cũng giống nhau, nhiều bạn học sinh lại ưa thích học bài vào đầu giờ chiều hoặc sau khi ăn tối. Vậy việc cần làm là tìm ra đâu là “thời gian vàng” của bản thân để tĩnh tâm và tập trung học. Nhưng sau khi lấy lại được guồng, thì hãy tận dụng tối đa thời gian để ôn bài nha.
- Nhờ sự giúp đỡ của người thân
Nếu chính bạn không thể khiến mình tĩnh tâm lại và bớt hoang mang đi thì hãy nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh: gia đình, bạn bè, thầy cô hoặc thậm chí là “crush”… Ai cũng đc, miễn là bạn tin tưởng và cảm thấy thoải mái khi ở cạnh hoặc nói chuyện với họ. Họ sẽ đưa ra những lời khuyên, động viên, khích lệ bạn… Chắc chắn khi đấy bạn sẽ thoải mái hơn và lấy lại được động lực.
- Học theo nhóm để tăng hiệu quả
Nếu bạn nghĩ rằng, học trong một nhóm nhiều người sẽ càng khiến mình bị phân tâm hơn thì có thể bạn đã lầm. Một là bạn chưa tìm được đúng “cạ” để học nhóm phù hợp, hoặc là do bạn chưa đủ nghiêm túc trong khi học nhóm.
Việc trao đổi bài qua lại và tương tác giữa các thành viên sẽ tạo ra hứng thú hơn, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn, từ đó giảm áp lực.
Bạn không nên học một nhóm quá đông. Bạn có thể học cùng những người giỏi hơn mình, sẵn sàng chia sẻ kiến thức giúp mình tiến bộ. Ngay cả đối với những người học yếu hơn mình một chút thì đây cũng là cơ hội để mình ôn lại bài. Ví dụ bạn kia có thắc mắc nào đó hỏi mình thì mình lại có cơ hội để động não. Giảng bài cho bạn chính là học bài lần 2 mà. Tuy nhiên, chống chỉ định học chung với người mất gốc hoặc không biết gì nhé :))) Nhớ là kỳ thi đang cận kề rồi.
***
Trên đây là những lời khuyên giúp các bạn vượt qua những cơn khủng hoảng ôn thi. Fi hy vọng chúng sẽ hiệu quả với các bạn. Hãy tiếp tục theo dõi những bài viết tiếp theo của Fi trong chuỗi đồng hành cùng sĩ tử. Nếu bạn gặp vấn đề gì thì đừng ngần ngại inbox cho Fi, Fi luôn sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và tư vấn cho các bạn. Cố lên! Và đừng quên theo dõi chuỗi bài đồng hành cùng các sĩ tử 2K4 trong kỳ thi THPT QG nhé.
– Ánh Tuyết –