Phép màu nhiệm mang tên “thói quen”
Le magique de l’habitude
“Suy nghĩ tạo nên hành động. Hành động tạo nên thói quen. Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận.”
Khi học một ngoại ngữ, nhiều người thường nghĩ đến việc tìm ra một công thức hoàn hảo, kỳ diệu, hiệu quả đối với tất cả mọi người. Có được nó, ta sẽ chẳng gặp chút khó khăn trong việc học một ngoại ngữ. Nhưng công thức đó thực chất không hề tồn tại, điều quan trọng khi học một ngoại ngữ, đó là SỰ ĐỀU ĐẶN.
Chắc chắn rằng bạn đã vài lần nghe đến “Quy tắc 10,000 giờ” của Malcolm Gladwell. Quy tắc này nói rằng: để trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, chúng ta cần phải trải qua 10.000 giờ luyện tập. Ví dụ: bạn muốn trở thành một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng, bạn phải tập chơi đàn chăm chỉ xuyên suốt 10.000 giờ. Hmmm, thử nhẩm tính xem nhé, mỗi ngày bạn luyện tập trong vòng 1 giờ đồng hồ, vậy vị chi bạn cần 27 năm để đủ 10.000. Đọc đến đây chắc bạn sẽ thấy thất vọng, sẽ thấy nản lòng đúng không. Chẳng lẽ mình cũng sẽ phải mất 2 chục năm mới có thể giỏi một ngoại ngữ?
Tin tôi đi, bạn không nhất thiết phải mất từng ấy năm đâu. Bởi mục đích của bạn liệu có phải trở thành một chuyên gia, một nhà ngôn ngữ học hay không? Hầu hết sẽ là không. Các bạn thường học ngoại ngữ với mục đích giao tiếp, ứng dụng vào công việc hoặc nhiều nhất là có dính tới nghiên cứu. Hơn nữa, con số 10.000 giờ này vẫn đang bị chỉ trích kha khá. Nhiều chuyên gia không hề đồng tình với kết luận này. Có nhiều người cần rất nhiều thời gian để làm tốt một điều gì đó, nhưng cũng có những người lại chỉ cần ít thời gian để làm điều tương tự.
Ok, nhưng tựu chung lại, dù thế nào đi chăng nữa, trong tất cả các trường hợp, điều quan trọng nhất vẫn là việc để thành thạo một thứ gì đó, ta cần chăm chỉ luyện tập, làm đi làm lại nhiều thật nhiều. Chìa khóa thành công chính là SỰ ĐỀU ĐẶN.
Để tạo ra sự đều đặn đó, ta phải biến sự luyện tập thành một thói quen. Tại sao lại vậy? Trong cuộc sống thường ngày, có rất nhiều điều chúng ta tự giác làm mà chẳng cần phải suy nghĩ gì. Ví dụ, buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên bạn làm thường có thể là uống một cốc nước, một cốc café, hay đi tắm cho thật sảng khoái. Nói chung, bạn làm những thứ đó mà chẳng cần phải suy nghĩ gì bởi bạn đã làm cả chục, cả trăm, thậm chí cả ngàn lần, chính vì thế não bạn đã nghiễm nhiên thiết lập cho những việc đó vào “chương trình”. Bạn chẳng bao giờ cần hỏi bản thân xem mỗi sáng bạn nên uống café hay là đi tắm cả. Ngay khi bạn vừa thức dậy, bạn đã tự động biết mình sẽ làm gì: làm những gì quen thuộc nhất. Nó giống như chế độ lái tự động của máy bay vậy.
Những thói quen này không chỉ dừng lại ở thói quen buổi sáng, mà là thói quen trong suốt cuộc đời bạn. Khi nào bạn đi làm, khi nào bạn ăn trưa, khi nào về nhà… bạn đều được điều khiển bởi những thói quen.
Những thói quen này thực sự rất hữu ích bởi nó khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn nhiều bởi… não ta rất lười. Nó không muốn luôn phải nghĩ về thứ này, nghĩ về thứ kia. Chính vì thế, khi nó thiết lập tự động một cái gì đó, nó sẽ rất hài lòng. Khi mà ta thực hiện một thói quen nào đó, đây chính là lúc mà não được nghỉ ngơi.
Có một số thói quen là trung tâm và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Đây là những thói quen rất quan trọng. Ví dụ, chơi thể thao. Khi chúng ta rèn luyện thể thao, chúng ta có xu hướng ăn uống lành mạnh hơn, ngủ ngon hơn, uống ít rượu, bỏ thuốc lá, v.v. Thói quen chơi thể thao này ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, đây là những gì chúng ta có thể gọi là “thói quen trung tâm” – những thói quen có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của một người.
Tuy nhiên, nhiều người không thể biến việc này thành một thói quen được. Lúc đầu, trong lòng của họ lúc nào cũng hừng hực khí thế, nhưng chỉ sau một thời gian, họ đã có đủ những cái CỚ để ngừng cố gắng: “Hôm nay trời nóng quá, nghỉ tập một buổi vậy”, “Tối nay có buổi hẹn quan trọng với người ấy, đi tập về thì vừa mệt vừa bốc mùi, thôi nghỉ một buổi chắc không sao”, “Sao tự dưng hôm nay thấy mệt thế nhỉ?”, “Con bạn đi tập cùng hôm nay nghỉ, đi tập mình thì buồn chết”, “Tự dưng muốn nghỉ quá”… Cứ thế, hôm nay lười một tý, ngày mai lười một tý, cuối cùng họ đã bỏ cuộc. Thật dễ dàng để nói với một người rằng nếu họ không thành công là do họ không có đủ ý chí. Nhưng trên thực tế, nó phức tạp hơn thế một chút.
Để hiểu sâu hơn về những thói quen, ta cần chia nó làm 3 phần:
- Le signal: tín hiệu thói quen đó bắt đầu
- La routine: cụ thể đây là những điều bạn làm khi thấy tín hiệu này, cách bạn phản ứng
- La récompense: những gì bạn nhận được sau khi thực hiện thói quen này
Lấy cái ví dụ cho nó rõ ràng nhé. Vào mỗi buổi chiều bạn đang làm việc và bạn tự dưng dừng lại để mua một chiếc bánh ngọt. Chính vì thói quen này, bạn đã bị tăng cân. Bạn thực sự muốn từ bỏ thói quen này, và chính vì thế bạn phải nắm được 3 yếu tố tạo nên thói quen này.
Câu hỏi đầu tiên: đâu là dấu hiệu của thói quen? Đó có phải là giờ không? Có phải là những lần bạn nghỉ đều vào cùng một thời điểm trong ngày không? Hay dấu hiệu ở đây là cơn đói? Bạn nghỉ vì bạn đói và bạn muốn ăn một thứ gì đó? Hay là… chỉ đơn giản bạn thấy chán và bạn muốn ăn? Chúng ta cần xác định đúng được dấu hiệu của thói quen này.
Tiếp đó là cách bạn phản ứng với dấu hiệu. Cái này thì rõ ràng hơn: đó chính là hành động mua chiếc bánh và ăn nó.
Cuối cùng, phần thưởng chính là cảm giác sung sướng, khi được ăn bánh, được tiêu thụ một lượng đường kha khá… Hay thậm chí đơn giản hơn là cảm giác sung sướng vì được nghỉ ngơi vài phút trong quá trình làm việc, hay cực kỳ cực kỳ đơn giản là nụ cười của người bán bánh dành cho bạn. Rất có thể bạn yêu cô nàng bán bánh và chỉ muốn nhìn ngắm nàng mỗi buổi chiều chăng?
Ôi thế thì làm sao để sửa thói quen này, thay vào đó là một thói quen tốt nhỉ (như thói quen học tiếng Pháp chẳng hạn)?
Hmmm… Tự dưng viết đến đây mỏi mắt quá, vậy thôi xin kết luận bài viết này bằng 3 yếu tố tạo nên một thói quen phía trên, ngày mai viết tiếp. Nếu các bạn muốn đọc tiếp thì xin mời ghé sang bài viết tiếp theo sẽ được lên sóng sớm thôi.
Merci de votre compréhension :)))
Xem phần 2 TẠI ĐÂY!
– Ánh Tuyết –