38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Chia sẻ từ một thành viên FiClub: Kỳ thi THPT Quốc gia và câu chuyện “vượt sướng”


Ok, chào mọi người, tôi là Ánh Tuyết, CỰU HỌC SINH chuyên Nguyễn Huệ. Hóa “cá chép” vượt “vũ môn” (kỳ thi THPT QG), tôi cuối cùng cũng gặt hái điểm số tương đối “ổn áp” và được vinh dự lên sóng FI chém một tý gió. Ở bài viết này tôi xin phép được kể về câu chuyện “vượt sướng” của bản thân trước sóng gió của kỳ thi và chia sẻ một vài cảm nhận riêng.

Ngày xửa ngày xưa, ở một gia đình nọ, có một cô bé tên là Thị Tuyết, cuộc đời cô bé yên trời lặng biển mãi cho đến năm cô 18 tuổi, cô phải thi Đại học haizz… Chả là năm ấy có con Covid làm điêu đứng nhân thế, khiến cho cuộc thi năm lần bảy lượt bị xoay vần chuyển hướng khó đoán. Vũ Quỳnh Anh – một người bạn của Thị Tuyết ở FI Club thường hay dặn Tuyết rằng: “Chúng ta cần đội mũ bảo hiểm để tránh Bộ quay xe!” Và rồi thực may mắn, cuối cùng Tuyết cũng được tham dự kỳ thi vào ngày 9, ngày 10 của tháng 8. 

Câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu Thị Tuyết không có đủ điều kiện để vào thẳng Ngoại Thương, Ngoại Giao, Ngoại Ngữ trước khi thi THPT QG. Bạn của Thị Tuyết nhiều đứa cũng được trúng tuyển như vậy, thế là chúng nó nhập học luôn, ngồi nhà ăn uống rồi cày phim từ sáng đến đêm, không lo, không nghĩ, không bận tâm về kỳ thi mang tầm quốc gia này nữa. Phải gọi là sướng hơn tiên! Hay là… Tuyết cũng thế nhỉ? Nghĩ đến việc học để thi đã thấy thực mệt mỏi rồi! Nhưng mà cay cú thay, Thị Tuyết lại không thích vào các trường này, với Tuyết, “chỉ một tình yêu, chỉ một Hanu” – Tuyết chỉ muốn vào ĐH Hà Nội. Chẳng lẽ… Hanu đã bỏ bùa mê thuốc lú, khiến Tuyết “vì yêu cứ đâm đầu”? Thế là, Thị Tuyết quyết định học, học nữa, học mãi, hộc máu… để thi vào Hanu bằng được (nói thế thôi, chứ vẫn học lớt phớt lắm).

Được thông báo trúng tuyển của các trường trên, Thị Tuyết cũng nói cho bố mẹ, anh chị. Ui mọi người vui lắm, cứ như kiểu mình khỏi phải thi nữa ý. Mẹ đi khoe khắp nơi: “Con tôi nó sắp vào Ngoại thương học rồi bla bla…” Ôi không, Thị Tuyết phải nói rõ ràng: “Không đâu bố mẹ ạ, con vẫn sẽ thi ĐH Hà Nội, vì nó có ngành ngôn ngữ Pháp giảng dạy rất tốt, con muốn trở thành biên – phiên dịch cơ mà…” 

Mẹ: “Mẹ vẫn thấy Ngoại Thương tốt con ạ.”

Bố: “Bố chịu mày đấy, trường nó đã mời vào rồi lại còn làm kiêu.”

Chị: “Chị thấy mày dở hơi thật, quyết thi xong mai tạch thì về ăn cám em ạ.”

………………….

Đi học, mỗi lần làm bài ngáo hay tỏ ra chán học là lại bị các bạn trêu: “Ôi dào, con Tuyết được tuyển thẳng rồi thì học làm gì nữa, về đi cho các bạn khác học”. Cha mẹ ơi, Thị Tuyết còn phải giải thích biết bao lần nữa rằng: “Tao không nhập học đâu, tao thi Hanu, tao vẫn phải học, phải thi bình thường mà, thi hệt như chúng mày ý…” Cái cảm giác mọi người cứ cho rằng mình không phải thi thật sự rất khó chịu, nó làm nhụt hết ý chí của Tuyết. Đã có rất nhiều giây phút Tuyết phân vân: liệu có nên nhập học luôn? Nghe tiếng của mấy trường đấy thật sang, thật hấp dẫn, và Tuyết chỉ cần bước một bước rất nhỏ nữa thôi là đặt chân vào rồi. Thời gian còn lại Tuyết sẽ làm được rất nhiều thứ khác, không phải sấp mặt vào đống đề văn, đề toán hại não. Thật sự dễ dàng!……

« Quand vous voulez abandonner, pensez pourquoi vous avez commencé » – Khi bạn muốn từ bỏ, hãy nghĩ về lý do bạn bắt đầu.

Và Tuyết nhận ra rằng lý do Tuyết chọn Hanu ngay từ đầu là vì có ngành yêu thích + chất lượng giảng dạy lại siêu tốt. Việc hướng nghiệp ngay từ đầu là chọn ngành trước, trường sau, nhất định không vì nghe trường nọ trường kia là trường top để bán sống bán chết nhảy vào, rồi đến cuối cùng sau 4 năm chưa xác định được công việc tương lai của mình là gì… Xong, khỏi lăn tăn gì, cắm cổ vào học để thi thôi.

Ngày hết hạn nhập học của các trường trên chính là ngày mà Tuyết cảm thấy nhẹ nhõm nhất. Vậy là khỏi phải suy nghĩ nhiều, giờ có hối hận gì cũng đã muộn màng, chi bằng dốc toàn tâm toàn ý cho mục tiêu của chính mình.  Thị Tuyết quyết định vạch ra một kế hoạch ôn thi cấp tốc trong vòng chưa đầy một tháng trước kỳ thi. Tuyết sẽ chia sẻ đôi điều về kế hoạch thực sự «cấp tốc» này trong một bài viết nào đó. Và cuối cùng, kết quả thi của Tuyết cũng khá ổn, không làm thất vọng phụ huynh. Thôi, nói tóm lại, sau sự kiện này, Tuyết rút ra rất nhiều điều quan trọng với bản thân :

  1. Khi bạn muốn từ bỏ, hãy nghĩ về lý do bạn bắt đầu (như đã nói phía trên)
  2. Động lực đã quan trọng, nhưng kỷ luật mới là yếu tố quyết định thành bại của một con người. Nhất định phải xây dựng được cho mình một chiến thuật hợp lý. Tuyết sẽ không thể thi được nếu như không phân bổ thời gian hợp lý để lấp bỏ những chỗ trống do thời gian ôn thi đội tuyển QG gây nên.
  3. “Hope for the best but prepare for the worst”. Ngay từ đầu Tuyết đã xác định nếu thi đỗ được thì ok, rất tốt, được thể vênh mặt lên với mọi người: “Tuyết đã bảo là sẽ thi được mà, mình phải có lòng tin ở bản thân”. Nhưng còn nếu trong trường hợp tệ nhất, Tuyết trượt thì sao… thì không sao cả, Tuyết quyết định không vào trường nào khác, gap year đợi năm sau thi lại. Một năm đó chẳng thể gọi là phí phạm được, mình có thể học C1 tiếng Pháp, học Ielts, học một vài kỹ năng tin học, tạo thói quen đọc sách, tiếp tục học đàn, trải nghiệm đi làm thêm bla bla… Nói chung là Tuyết đã có rất nhiều dự định trong trường hợp được cho là tệ đó. Nhờ có những suy nghĩ trên, kỳ thi bỗng nhẹ nhàng hơn trong mắt Tuyết, Tuyết không bị áp lực nhiều, chỉ cần tập trung làm theo chiến thuật ôn thi đã đề ra và về đích, không lo lắng gì hết. 

Thế thui, trên đây là câu chuyện nho nhỏ của tôi liên quan đến kỳ thi THPT QG 2020 vừa qua. Sẽ còn một bài viết chia sẻ về “kế hoạch ôn thi cấp tốc” nữa, nhưng thôi để mai tính ha. Hy vọng mọi người đọc và chill. Chúc mọi người sẽ thành công với những dự định của mình. 

Bisous!

– Ánh Tuyết (Monitrice CLB tiếng Pháp FiClub) –