38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Cách ghi chép nhanh và thông minh nhất cho bất kì học sinh nào


Các bạn đi học có dùng bút đánh dấu vào vở ghi hoặc gạch chân những điểm quan trọng và thi thoảng đọc lại vở để ghi nhớ lại kiến thức?

Gần như các bạn đều áp dụng phải không? Tin xấu dành cho các bạn: Những cách này gần như VÔ ÍCH.

Trên thực tế, CHỈ dùng bút đánh dấu là một phương pháp tệ hại, thậm chí còn có thể tác động xấu đến khả năng hồi tưởng của bạn.Nguyên nhân là do phương pháp này chỉ làm nổi bật một vài phần của cả trang vở, tách riêng khỏi văn cảnh gốc, khiến trí nhớ khó hình thành sự liên kết.

Bút đánh dấu đôi khi không hiệu quả như bạn vẫn nghĩ

Và đây mới là phương pháp ghi chép nhanh và hiệu quả nhất cho BẤT KÌ AI:

1. Ghi chép bằng viết tay
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh, ghi chép bằng laptop thay vì viết tay làm giảm khả năng hồi tưởng thông tin.
Trong một nghiên cứu liên quan đến vấn đề này, các nhà khoa học đã cho các học sinh xem một đoạn video thuyết trình của TED talk, và sau 30 phút các em phải trả lời những câu hỏi liên quan đến nội dung trên video.
Những học sinh ghi chép bằng viết tay đạt kết quả tốt hơn những người ghi chú bằng laptop.
Khi xem lại bản ghi chép của các học sinh, các nhà nghiên cứu đã hiểu lý do vì sao dẫn đến sự khác biệt như vậy.
Những người ghi chép bằng máy tính thường gõ nguyên văn lời nói của diễn giả trong video, còn người viết tay không thể viết đủ nhanh để làm như vậy được.
Khi người ta có thể gõ đủ nhanh để ghi lại nguyên văn mọi thông tin, họ sẽ chẳng cần vận đến tư duy phản biện và khả năng tập trung nữa, chỉ đơn giản là gõ lại nguyên văn những gì diễn giả nói.
Trong khi đó ghi chép bằng tay đòi hỏi tư duy nhiều hơn, khiến trong thời gian ngắn, não cần tiếp nhận, xử lí thông tin và ghi nhớ tốt hơn.

Ghi chép bằng tay hiệu quả hơn hẳn việc sử dụng máy tính

2. Sketchnote – Ghi chép bằng hình ảnh

Có thể nghe hơi ngớ ngẩn, nhưng nghiên cứu cho thấy nếu bạn vẽ thứ gì đó ra thì bạn sẽ ghi nhớ lâu hơn.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một chuỗi thử nghiệm để so sánh giữa phương pháp viết và các phương pháp khác để ghi nhớ từ ngữ, kết quả vẽ là phương pháp tối ưu nhất.
Ở thử nghiệm đầu tiên, họ cho các tình nguyện viên những từ dễ vẽ minh họa (ví dụ ‘quả táo’) và yêu cầu họ vẽ hoặc viết các từ đó.
Để đảm bảo các tình nguyện viên dành lượng thời gian bằng nhau, mỗi người được cho phép 40 giây cho mỗi từ và dùng hết khoảng thời gian đó.
Vì vậy họ có thể viết hoặc vẽ đi vẽ lại, hoặc chỉ làm một lần và dành thời gian còn lại để thêm các chi tiết khác.
Sau đó họ kiểm tra xem các tình nguyện viên nhớ được bao nhiêu từ. Kết quả vẽ giúp họ nhớ nhiều gấp đôi viết.
Thí nghiệm sau đó so sánh giữa vẽ với các phương pháp khác: viết lại các đặc tính của vật (chẳng hạn như màu sắc, hình dạng, kích thước, chủng loại) hay nhìn vào hình ảnh của vật đó.
Và vẽ vẫn là phương pháp tối ưu nhất.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, vẽ là phương pháp hiệu quả nhất và nó tích hợp nhiều kỹ năng khác nhau.
Khi ta vẽ một vật, ta phải cân nhắc các đặc điểm vật lý, tưởng tượng nó trong đầu, dùng kỹ năng vận động để truyền đạt lại trên giấy.
Sự tích hợp này đem lại cho chúng ta một lượng thông tin phong phú hơn là khi chúng ta chỉ viết hay nhìn vào tranh ảnh.

Bạn thường nhớ hình ảnh nhiều hơn con chữ đúng không nào?
Nhưng cũng có nhiều bạn thắc mắc: Bài vở trên lớp sao có thể vẽ linh tinh? Mà mình vẽ cũng không đẹp nữa!
Quan trọng của việc ghi chép và vẽ là bạn học theo hệ thống và quy tắc của BẢN THÂN BẠN, cho bạn và giúp bạn hiểu, có thể vẽ quả táo méo xíu, nhưng bạn vẫn nhớ được lâu thì không vấn đề gì nhé. Còn bài vở trên lớp không thể thực hành thì chúng ta chọn những chỗ khác, ví dụ như đi hội thảo cần ghi chép lại thông tin- áp dụng ngay chứ còn gì, hoặc những môn giáo viên không yêu cầu quá khắt khe về việc thu vở và chấm, hoặc khi học ở nhà…
Dùng bút đánh dấu không sai, nhưng phải giúp bản thân mình ghi nhớ nếu không sẽ phản tác dụng. Cùng thực hành 2 phương pháp trên xem FI Classe “mách” đúng không nhé.
– Sưu tầm –