🔑 15 khám phá về Molière – tượng đài của văn hóa Pháp
Hôm nay, ngày 15/1 chính là ngày sinh nhật của Molière. Ông được coi là bậc thầy của kịch nghệ châu Âu và là nhà hài kịch vĩ đại nhất thế kỷ XVII. Chắc hẳn, những bạn yêu thích nước Pháp và văn hóa Pháp đều biết đến Molière. Nhân ngày này, hãy cùng chúng mình tìm hiểu 15 điều khám phá về Molière nhé!
- Molière, tên thật là Jean-Baptiste Poquelin (15/1/1622 – 17/2/1673). Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, nghệ sĩ người Pháp, người sáng tạo ra thể loại kịch cổ điển.
- Molière sinh ra ở Paris, là con trai của một nhà sản xuất đồ nội thất và bọc ghế cho triều đình. Khi ông lên 10 tuổi, mẹ ông mất. Ông từng học ở Collège des jésuites de Clermont, nay là Lycée Louis-le-Grand, nơi đa số học trò được dạy bằng tiếng Latin.
- Sau khi học xong Collège des jésuites de Clermont năm 1639, ông tiếp tục học Đại học Orléan, chuyên ngành Luật. Bố của ông lúc ấy muốn hướng ông theo sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, ông nhất định không theo ý cha, nhường công việc này cho em trai và chọn sân khấu.
- Molière là tác giả của những kiệt tác nổi tiếng Le Misanthrope (Anh chàng ghét đời), L’École des femmes Tartuffe ou l’Imposteur (Thằng Táctuýp), L’Avare ou l’École du mensonge (Lão hà tiện) và Le Bourgeois gentilhomme (Trưởng giả học làm sang).
- Tác phẩm của ông đề cập đến nhiều vấn đề của đời sống đương thời cũng như hiện tại: quan hệ của cha mẹ và con cái, hôn nhân và gia đình, giáo dục, đạo đức xã hội (thói hiếu danh, kiêu ngạo, thói giả nhân giả nghĩa…), những vấn đề về tôn giáo, văn hóa, khoa học…
- Năm 1643, ông thành lập đoàn kịch Illustre Théâtre, lấy nghệ danh Molière. Sau một số thất bại do mắc nợ nhiều, đoàn kịch phải giải thể, đồng thời Molière bị bỏ tù.
- Sau khi ra tù, Molière cùng với một số diễn viên còn lại đi về biểu diễn ở tỉnh lẻ ở nước Pháp suốt 13 năm. Để cạnh tranh với những đoàn kịch của Ý, Molière bắt đầu sáng tác những vở kịch độc quyền của đoàn mình, dựa trên những trải nghiệm trong lúc thâm nhập vào từng ngóc ngách của nước Pháp.
- Năm 1655, ông viết vở kịch thơ đầu tiên L’Étourdi (Gàn dở). Một năm sau đó, ông viết vở Le dépit amoureux (Bất hòa của tình yêu). Đến năm 1658 đoàn kịch của Molière đã trở thành đoàn kịch nổi tiếng nhất ở các tỉnh và nhận được sự ủng hộ của nhiều bá tước, trong đó có cả Quận công Philippe – em trai của vua Louis XIV, đoàn kịch của ông được mời biểu diễn ở Louvre và đã gây được tiếng vang.
- Sau đó, đoàn kịch của ông thường xuyên được biểu diễn ở nhà hát Bourbon. Từ đây, Molière đoạn tuyệt với bi kịch và chỉ đóng hài kịch. Từ đây, ông trực tiếp phanh phui thói xấu của xã hội thượng lưu Pháp, được đông đảo nhân dân ủng hộ.
- Nhiều tác phẩm của ông bị cấm vì đã châm biếm mạnh mẽ lợi ích của giới quý tộc trong xã hội. Vở Tartuffe (Đạo đức giả) được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1664 và ngay lập tức bị tòa án của vua Louis XIV cấm. Phải đến 5 năm sau, lệnh cấm được dỡ bỏ và Tartuffe được coi là một trong những kiệt tác của ông.
- Năm 1672, ông bị ốm nặng, nhiều bạn bè của ông đã qua đời, quan hệ với nhà vua cũng có phần lạnh nhạt hơn trước.
- Năm 1672-1673 ông viết vở kịch cuối cùng Le Malade imaginaire (Bệnh giả tưởng), trở lại với đề tài thầy thuốc bịp bợm và những bệnh nhân cả tin. Ngày 17/2/1673, trong một buổi diễn vở kịch này, ông qua đời. Ông đóng vai 1 người khỏe giả ốm. Khi vở kịch lên cao trào, ông bất thần đau đớn toàn thân rồi vật ngã, không dậy được nữa. Đoàn kịch đưa ông về nhà, 3 tiếng sau ông qua đời.
- Nhờ sự can thiệp của nhà vua, ông mới được an táng theo nghi lễ của nhà thờ, vì theo luật lệ nước Pháp thời điểm đó, Nhà Thờ không công nhận những người làm việc trong giới nghệ thuật.
- Qua 4 thế kỷ, các tác phẩm của ông đã được chuyển thể sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, trình diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim. Ngoài ra, có ít nhất 4 bộ phim dựng về cuộc đời của Molière, bộ phim gần nhất là vào năm 2007.
- Với những đóng góp to lớn vào nền nghệ thuật và văn chương, Molière là cái tên đại diện cho ngôn ngữ Pháp – ngôn ngữ của Molière. Ông được xem là vị đại sứ truyền bá văn hoá Pháp ra ngoài thế giới.
Nguồn tham khảo: vtc.vn
– Thanh Huyền (Tổng hợp) –