38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

[THPT QG] Hệ thống kiến thức quyết định 90% điểm số bài thi


Kỳ thi THPT Quốc gia đã cận kề, đây chính là thời điểm chạy nước rút của các sĩ tử để có thể đạt được điểm số cao nhất, thể hiện hết năng lực của mình. Trong quá trình chạy nước rút đó, việc đầu tiên cần làm là tổng hợp và hệ thống hóa kiến thức suốt 3 năm học THPT. Vì sao cần tự mình tổng hợp kiến thức? Bạn hoàn toàn có thể học dựa trên tổng hợp của thầy cô mình (nếu thầy cô hệ thống kiến thức tốt), tuy nhiên nếu chỉ dựa vào thầy cô bạn sẽ thiếu đi tính chủ động trong việc nắm bắt kiến thức. Hơn nữa, có thể một số chỗ bạn không hiểu được logic của thầy cô, dẫn đến đứt mạch hệ thống. Cái gì tự mình làm thì thường tự mình cũng dễ nhớ hơn. Vậy còn chần chờ gì nữa, bắt tay ngay vào tổng hợp và hệ thống thôi nào.

Phương pháp tổng hợp và hệ thống kiến thức này gồm 4 bước, các bạn hãy đọc thật kỹ để hiểu rõ logic của nó nhé.

Bước 1: Xem đề thi các năm trước và lên danh mục những kiến thức trọng tâm cần ôn

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Chúng ta cần biết được cấu trúc đề thi như thế nào, mỗi phần tập trung vào mảng kiến thức gì. Chỉ khi chúng ta biết đích đến là gì thì mới có thể vạch ra kế hoạch “tác chiến” một cách cụ thể và hiệu quả nhất.

Ví dụ: Bài thi tiếng Pháp trong vài năm gần đây sẽ gồm phần đọc hiểu (1 bài báo và 1 đoạn trích văn học), phần từ vựng (đồng nghĩa, trái nghĩa, từ cùng họ…) và phần ngữ pháp (COD/COI, mạo từ, tính từ chỉ định, sở hữu, giới từ, hợp giống hợp số tính từ, câu chủ động, bị động…). 

Sau khi lên được một danh mục những kiến thức cần ôn thì chúng ta bắt đầu chuyển sang bước tiếp theo nha.

Bước 2: Cụ thể hóa từng mục kiến thức trong danh mục cần ôn

Với mỗi mảng kiến thức, bạn cần tổng hợp theo các vấn đề và các dạng bài. 

  • Đối với môn Ngoại ngữ, chúng ta sẽ thường đi từ quy tắc chung rồi đến các trường hợp đặc biệt. 
  • Đối với môn Văn học, hãy bắt đầu từ thông tin chung về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác; sau đó đi vào nắm rõ các ý chính của tác phẩm, phân tích nhân vật, tình tiết. Thường mỗi tác phẩm thầy cô sẽ cho một số đề, tuy là cùng từ một tác phẩm nhưng vẫn có những điểm khác nhau, các bạn cần lưu ý. Ngoài ra, phải ghi nhớ các tình tiết để dễ dàng chọn lọc khi gặp đề mang tính chất tổng hợp. 
  • Đối với môn Toán, Lý, Hóa hãy đi từ định nghĩa, tính chất, các định lý và sau đó là các dạng bài được chia nhỏ.
  • Còn với môn Sử, Địa, chúng ta cần đi từ tổng thể đến chi tiết. Hãy tổng hợp dựa trên chiều thời gian và không gian, sau đó mới đi vào những chi tiết nhỏ hơn.

Dù học ở đâu, Đông Tây Nam Bắc đủ hướng và đủ phương pháp, việc đầu tiên bạn cần làm đó là nắm được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Bạn cần phải xem lại sách giáo khoa (gồm cả phần lý thuyết và bài tập bổ trợ sau mỗi bài học), hãy chú ý đến logic trong việc phân chia chương và bài học của sách; đồng thời kết hợp bài giảng và cách phân tích của thầy cô giáo để hiểu thật rõ kiến thức. Khi đã nắm chắc nội dung trong sách giáo khoa rồi, bạn hãy xem kỹ lại một số bài thầy cô đã chữa theo từng dạng nhé. Khuyến khích bạn thử làm lại trước khi xem bài chữa.

Ngoài ra, đối với những phần lưu ý của thầy cô hoặc của chính bạn trong quá trình học tập, bạn cần ghi chú thật cẩn thận, nếu có thể thì hãy ghi chú ra một quyển sổ riêng để tiện xem lại.

Bước 3: Vận dụng kiến thức để luyện đề → củng cố và nâng cao kiến thức vừa ôn

Sau khi tổng hợp và hệ thống kiến thức một cách chỉn chu nhất có thể, giờ đã đến lúc chúng ta “thực chiến”. Hãy luyện tập các đề tổng hợp các kiến thức. Khi đã sẵn sàng, bạn hãy đặt giờ làm bài để quen với áp lực thời gian trong phòng thi. 

Sau quá trình luyện đề, chúng ta sẽ từng bước rèn luyện các kỹ năng làm bài thi, phát hiện và dần khắc phục các nhược điểm của mình.

Đừng làm tới tấp quá nhiều đề, hãy chọn ra một số đề tùy vào khả năng của bạn và làm thật chỉn chu các đề đó, nắm thật rõ các phần kiến thức được đề cập trong các đề đó, có vậy mới khắc phục được các lỗi mà (có thể bạn không biết) bạn đã mắc đi mắc lại nhiều lần. Với môn ngoại ngữ, con số lý tưởng là 20 đề.

Bước 4: Tổng ôn lần cuối trước khi đi thi

Đối với nhiều người thì 3 bước trên đã là đủ để đi thi. Tuy nhiên, lần tổng ôn cuối cùng này cũng quan trọng không kém.

Trong suốt quá trình luyện đề, chúng ta thường chỉ chú trọng đến những câu mình làm sai, những câu khó, mà không quan tâm đến những câu đã làm đúng. Nhưng chẳng điều gì là không thể xảy ra, trong lúc ôn thi bạn có thể làm đúng nhưng đến lúc đi thi bạn cũng có thể làm sai do quên, nhớ nhầm hoặc bất cứ lý do nào. Như vậy, việc tổng ôn lần cuối là nhằm mục đích bao quát lại toàn bộ các kiến thức cốt lõi, nền tảng để tránh việc mất điểm đáng tiếc ở những câu hỏi dễ, tối ưu hoá điểm bài thi. Các bạn chớ quên bước này nhé.

***

Sau khi hoàn thành hết cả 4 bước này, các bạn sẽ hoàn toàn đủ tự tin để bước vào phòng thi. Fi tin rằng chỉ cần chuẩn bị thêm một tâm lý vững vàng nữa thôi, nhất định các bạn sẽ đạt được kết quả xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Cố gắng lên các sĩ tử, hãy nhớ rằng Fi luôn bên các bạn!

Xem thêm: Bị nản trong lúc đang ôn thi thì nên làm gì?

– Ánh Tuyết –