38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Sau bài viết trước về Hướng dẫn chọn ngành – chọn trường, chắc nhiều bạn đã thở phào nhẹ nhõm vì đã chọn được cho mình một vài ngành khả dĩ hơn các ngành khác đúng không? Hãy tiếp tục chặng đường đó một cách cẩn thận để đưa ra lựa chọn cuối cùng nhé.
Bên cạnh đó, Fi tin chắc là có một số bạn vẫn chưa biết nên chọn ngành gì sau bài viết đầu tiên. Đừng hoang mang, hãy kiên trì một chút với các hướng dẫn tiếp theo nhé.
Nếu bạn chưa thích ngành nào?
Vậy thì bạn cần đi một lộ trình khác để có thể quyết định được Ngành, Trường mà bạn sẽ thi nhé!
Bước 1: Xác định khối thi
Nếu bạn đã có sẵn khối thi cho mình thì có thể bỏ qua bước này.
Còn với những bạn không học chuyên, thì giai đoạn này bạn cần xác định xem điểm mạnh của bản thân là gì, các môn học mà mình yêu thích và có kết quả học tập tốt hơn các môn khác là gì?… từ đó hình thành lựa chọn khối thi cho bản thân.
Sau khi đã xác định được khối thi, cần tập trung củng cố kiến thức các môn trong khối đó trước khi quyết định mình thi ngành gì để đỡ hoang mang. Dĩ nhiên, trong quá trình củng cố kiến thức mà thấy có tín hiệu bản thân thích gì thì tốt quá rồi, đừng quên ghi nhận lại cảm giác của bản thân nhé! (giống như ad cũng đang không biết mình thích gì thì bỗng dưng tìm thấy định mệnh của đời mình khi xem một bộ phim, mà nữ chính nói về công việc mới của cô ấy, mình nghe phát thấy hứng thú liền rồi mới bắt đầu tìm hiểu)
Bước 2: Những nhóm ngành nào/ trường nào tuyển sinh khối thi bạn chọn
Dựa vào khối thi đã chọn, hãy xem trên thị trường có những nhóm ngành nào tuyển sinh đầu vào khối đó (thông tin này có thể tìm kiếm trên các kênh online/ tài liệu offline và qua fanpage FiClasse).
Giờ các tài liệu cũng được thiết kế khoa học hơn trước nhiều, nên việc tra cứu không phức tạp như bạn nghĩ đâu nhé!
Bước 3: Tìm hiểu nhu cầu nhân lực của ngành
Đừng quên tìm hiểu nhu cầu lao động của các ngành này trong tương lai là như thế nào để từ đó lọc tiếp các ngành tiềm năng. Tuy nhiên, cần cảnh giác với những thông tin đọc được, ví dụ Hàng chục nghìn sinh viên đại học ra trường thất nghiệp… nhưng thực chất, không phải xã hội không có nhu cầu mà là năng lực sinh viên không đủ đáp ứng hoặc không phù hợp. Người thất nghiệp nhiều nhưng doanh nghiệp cần lại không tuyển được.
Bước này cũng giúp bạn đón đầu các ngành mới, cơ hội mới với tiềm năng phát triển khi bạn ra trường.
Ví dụ, khi ad tìm kiếm: “Cơ hội nghề nghiệp ngành marketing”, thì lúc đó marketing là một ngành còn rất mới ở trong nước và chưa có quá nhiều thông tin. Nhưng nắm bắt được từ khóa về việc ngành này đang rất phát triển trên thế giới và dự kiến vài năm tới sẽ bùng nổ ở Việt Nam. Ồ, vậy là ad đã không dừng bước mà tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn và tự tin lựa chọn. Kết quả, đúng là thời điểm ra trường (5 năm trước), ngành này bùng nổ thật!
Bước 4: So sánh yêu cầu của ngành nghề với đặc điểm tính cách của bản thân
Cần xem bản thân thuộc nhóm tính cách nào, điểm mạnh – điểm yếu của bản thân là gì để so sánh với đặc thù, đòi hỏi cơ bản của các ngành để loại trừ và chọn ra ngành phù hợp với bản thân hơn cả.
Đây cũng là thứ tự sắp xếp ưu tiên khi viết nguyện vọng: ngành có tiềm năng – đồng thời phù hợp với điểm mạnh của bản thân nhất xếp đầu tiên, sau đó đến các ngành khác cũng có tiềm năng trên thị trường lao động, không cần viết (đua theo) mọi người lấy số lượng mà đặt vào đó những ngành mình cũng không có ý định học nếu đỗ.
Không cần nóng vội, bình tình làm theo các bước mà FiClasse đưa ra bên trên, bạn sẽ sớm tìm thấy con đường dành cho mình!
Nếu như bài viết trước kết hợp giữa cảm xúc của các bạn (bạn thích gì) với các bước mang tính logic để giúp bạn chọn ra trường/ngành phù hợp, thì bài viết này thích hợp cho những bạn đang tương đối “thờ ơ” hoặc quá hoang mang. Vì bạn đang có quá nhiều cảm xúc (tiêu cực) nên tốt nhất mình tạm bỏ cảm xúc sang một bên mà chỉ tiến hành các bước về mặt kỹ thuật thôi đã. Khi mọi thứ rõ ràng hơn, tin rằng cảm xúc của bạn sẽ tích cực lên theo.
– Thanh Ngân –
Copyright © 2019 – All Rights Reserved. FI CLASSE