Phương pháp học thông minh cho những người “muốn lười”
Ngày nào cũng phải học, lười quá nhỉ? Có đồng chí nào muốn nghỉ hè từ tháng 6 năm nay tới tháng 5 năm tới không? Nhân cái thời điểm nắng nóng ôn thi mà “ai cũng muốn lười”, FI Classe mách cho các ấy cách làm việc thông minh và có phương pháp để việc học không là nỗi ám ảnh- tức là “lười” một cách thông minh và “chăm chỉ”
1. Ngừng ngay việc “MỖI NGÀY PHẢI NGỒI VÀO BÀN 3 TIẾNG”
Đằng nào cũng mất công học, hãy HỌC HIỆU QUẢ
Đừng “ngồi vào bàn” nhưng KHÔNG HỌC- đừng phí thời gian nhưng không được tích sự gì- mở sách vở trước mặt mà lướt facebook hoặc xem phim. Đừng cố ngồi cắm đầu vào học khi bạn đang mệt, buồn ngủ hay muốn đi chơi. Hãy ngồi xuống học khi bạn THỰC SỰ muốn học
Đặc biệt đối với sinh viên, trong khi đời đang đẹp, đang tươi, còn đi làm thêm, còn hoạt động tình nguyện, còn “gấu tró” nữa nhỉ? Thì thay vì chọn “làm tốt 1 việc” hãy làm tốt TẤT CẢ bằng cách nâng cao hiệu quả lên! Đừng phí 3 tiếng ngồi không mang danh học. Hãy ngồi học 1 tiếng thôi nhưng hiệu quả, 2 tiếng còn lại cho các hoạt động khác!
Nhưng cũng phải nói một cách công bằng- rằng vẫn hoan nghênh những bạn ít nhất vẫn có ý thức ngồi vào bàn học. Chứ tớ biết có những đồng chí còn không cả có ý định học bài ở nhà cơ !!!
2. Làm bài tập NGAY LẬP TỨC
Điều này chắc hẳn các bạn đã nghe đến một vạn lần, thậm chí, mình đảm bảo, nghe cả đời luôn! Nhưng nó đúng, một cách chắc chắn.
2 phong cách làm bài của học sinh, sinh viên hiện nay là: “Chiến ngay lập tức” – học xong phát làm bài luôn, học ngày nào làm bài ngày đấy và “Nước đến chân mới nhảy” – chờ đến buổi học tiếp theo mới làm bài. Đúng không nào?
Và tớ đã áp dụng cả 2. Xét ra, số lượng bài tập chỉ có như thế, làm sớm hay làm muộn là phụ thuộc vào bạn “muốn” nhàn hạ hay tất bật thôi.
Với cách học “nước đến chân mới nhảy”- của đại đa số của sinh viên, các bạn vất vả vô cùng, vì bài nọ chồng bài kia, môn này chồng môn kia, ngày mai học rồi mà cái gì cũng phải làm. Chưa kể vấn đề là “Không nhớ mình cần phải làm gì” để làm. Thế là lại mất công ngồi đọc lại hoặc hỏi bạn bè: Mày ới, cô giao về nhà những gì thế- và đấy là lí do tại sao các bạn thường xuyên quên hoặc làm bài thiếu. Cách học này giống như lúc nào mình cũng phải chạy theo deadline vậy, luôn gấp gáp và cảm thấy không có thời gian.
Còn nếu “chiến ngay lập tức” bạn sẽ thấy “chẳng có gì phải làm cả” – dù số lượng bài tập chẳng giảm đi, nhưng làm bài xong nhanh cực kì, bởi nó là những kí ức gần nhất của não, bạn sẽ nhớ được một cách chính xác những lời giảng, thậm chí là hướng dẫn và lưu ý của thầy cô, và việc làm bài dễ như ăn Kimbap ấy (lấy kimbap làm ví dụ vì tớ thích ăn) và hoàn thành vượt cả mong đợi ấy chứ- nên mới nói là chẳng có gì phải làm cả.
Sinh viên rồi, rất ít bài tập, thậm chí có những môn không có bài tập (hoan hô) nhưng mà có thì hãy làm ngay nhé! Có thể bạn không hoàn thành ngay lập tức được- ví dụ các bài báo cáo, hay tiểu luận- nhưng cứ bắt tay tìm hiểu, và làm dần từ ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ đi nhé. Lí do “lụt lội” hay “khô ráo” là do bạn chọn “chiến ngay” hay “nước đến chân mới nhảy” mà thôi.
Cũng cần phải nói thêm làm bài tập không phải là tất cả với sinh viên đâu. Vậy nên trong một bài viết khác, tớ sẽ chia sẻ nhiều hơn về việc tự học với các bạn sinh viên nhé.
3. Xem lại bài đã học và xem trước bài tiếp theo
Tèn ten, bài tập thì đã xong rồi, đến buổi tiếp theo sẽ lôi sách ra xem lại một lượt, xem còn gì cần giải quyết nốt không nhé – thế này thì có mà “thiếu đằng trời”, người ta gọi là “double check” đấy.
Và hãy đọc, nghiên cứu tài liệu trước mỗi bài học. Cái này đặc biệt đối với những môn học thuộc như sử, địa, triết và ngoại ngữ nhé- và cũng là sự khác biệt giữa học sinh và sinh viên. Cứ đọc đi, xem qua dù chả hiểu gì- mà nếu hiểu thì càng tốt. Và khi được nghe giáo viên giảng bạn sẽ cảm thấy dễ vào đầu hơn và tự tin hơn. Người ta nói khi đọc một cuốn sách, dù không hiểu, hãy cứ đọc đi. Khi đọc xong, bạn vẫn sẽ tự nâng cấp mình lên một bậc.
Quan trọng hơn, điều này giúp tạo thói quen chủ động trong tư duy. Tớ từng quan sát 1 CEO đi học MBA. Anh ấy nắm được hầu hết những thứ sắp học. Lên lớp mục đích là để đặt câu hỏi với giảng viên thôi. Các bạn biết vì sao những người giỏi làm việc và học tập rất hiệu quả không, cứ như siêu nhân vậy. Người ta có cách cả đấy!
4. Áp dụng vào cuộc sống
Điều này bạn nào cũng được nghe cả en nờ lần cộng một- lại khẳng định thêm lần nữa. Đặc biệt đối với những bạn nào là dân ngoại ngữ thì đây là một cách học “thông minh” và hiệu quả vô cùng!
Hỏi nhé: Có bao giờ bạn học Tiếng Pháp và áp dụng các từ Tiếng Pháp vào các môn khác chưa? Ví dụ đông tây nam bắc trong môn Địa lí, thay nó bằng các từ tiếng Pháp đi. Hoặc môn sinh- các loại cây các loại hoa chẳng hạn. Không bắt buộc bạn phải viết được 1 câu hoàn chỉnh, cứ từ nào thay thế được, thay luôn đi, sợ gì!
À, nhưng lưu ý xíu nhé, là cái này chỉ áp dụng cho 1 loại ngoại ngữ bạn đang muốn tập trung học và cần được “cấp phép hành nghề” nhé. Chằng hạn bạn nào đã thông thạo tiếng Anh rồi, muốn học Tiếng Pháp, thì hãy tạm thời “quên” Tiếng Anh đi và chỉ tập trung vào Tiếng Pháp thôi nhé, cho nó nhuần nhuyễn, chứ cứ phụ thuộc vào ngôn ngữ khác rồi xăng pha nhớt thì không đạt hiệu quả đâu, và thế lại thành KHÔNG THÔNG MINH TÍ NÀO.
Hay môn lịch sử, đường lối, triết học… khó nhớ ngày tháng sự kiện hả? Tớ dùng cách nhớ ngày tháng năm sinh của người thân để nhớ sự kiện lịch sử- ví dụ Pháp xâm lược Việt Nam năm 1858, đồng chí mẹ tớ sinh năm 1968- bớt đi 1 là xong. Mà nhớ ngày tháng năm sinh, sự kiện xung quanh mình và người thân mình bao giờ chẳng dễ hơn? Cũng là để chúng ta quan tâm đến họ nhiều hơn . Với những sự kiện không-thể-liên-quan đến người thân, tớ tự tạo ra cho nó 1 logic riêng để ghi nhớ.
Nghe nhạc, xem phim là cách quá quen thuộc rồi nhỉ?
Hoặc các chương trình Ai là triệu phú, đường lên đỉnh Olympia – tớ, một sinh viên đại học vẫn xem, vẫn thử trả lời và ghi chép lại để xem mình có bằng học sinh cấp 3 không
5. Học mỗi môn một phương pháp khác nhau
Đừng học tất cả các môn cùng theo một phương pháp học.
Học lịch sử sẽ khác với học toán, học ngôn ngữ không thể giống như học hóa.
Hiểu được đặc trưng và có cách học tốt nhất cho từng môn học là một thành công cực lớn đối với bất cứ học sinh nào. Bạn sẽ thấy thấy bí kíp này sẽ giúp bạn đạt điểm cao hơn mà thời gian học lại được rút ngắn rất nhiều. Tức là chăm chỉ một cách thông minh.
————–
Không chỉ dạy tiếng Pháp đơn thuần, FI Classe còn là nơi chia sẻ và giúp học sinh tìm kiếm phương pháp học phù hợp, cũng như đưa ra những lời khuyên phù hợp cho từng học sinh với đặc điểm tính cách, trình độ và tư vấn lộ trình phù hợp với mục tiêu và khả năng của từng bạn.
Nếu bạn muốn tìm một nơi để học Tiếng Pháp, được sống cùng tiếng Pháp hàng ngày, và tìm kiếm phương pháp học hiệu quả có thể tham khảo các lớp học sau nhé:
– Tiếng Pháp các trình độ (A0, A1, A2, B1, B2,…)
– Luyện thi DELF
– Tiếng Pháp trẻ em
– Tiếng Pháp THCS, THPT
- – FI Classe –