Học trên lớp có phải chỉ cần chăm chú nghe giảng không?
Có bao nhiêu bạn thường xuyên trải qua những tiết học dài dằng dặc? Có bao nhiêu bạn gặp phải những vấn đề về sự mất tập trung trong lớp học? Và có bao nhiêu bạn cảm thấy sau những tiết học ấy mình chẳng thu lượm được điều gì?
Bạn biết đấy, mỗi người sẽ lại có những vấn đề riêng khi học trên lớp. Điều quan trọng là bạn có nhận thức được nó không, và bạn làm như thế nào để tìm được giải pháp. Nghe thì đơn giản đấy, nhưng làm được hay không thì thật khó nói. Thứ nhất, việc bạn gọi tên được vấn đề mình đang gặp phải, tất nhiên, không phải ai cũng làm được. Rất nhiều bạn có xu hướng làm ngơ, ậm ừ, bỏ qua, buông thả bản thân, không giao tiếp với chính mình. Việc này cũng giống như hình ảnh con ếch trong nồi đứng trước nguy cơ “lên đĩa”, rõ ràng có khả năng nhảy ra khỏi nồi để thoát thân, nhưng vẫn mặc kệ, “không thèm” nhận thức những thứ đang xảy ra xung quanh mình. Thứ hai, chúc mừng bạn, bạn đã nhận thức được vấn đề của mình, nhưng lại tiếc thay, nhiều người lại không hành động, hoặc có hành động để thay đổi nhưng lại chưa tìm được đúng phương pháp phù hợp với mình.
Các bạn học sinh, sinh viên thân mến, Fi rất hiểu, rất đồng cảm, và thực sự muốn giúp các bạn vượt qua những vấn đề ấy. Chính vì nguyên cớ đấy, Fi sẽ tổng hợp một bài viết liên quan đến những vấn đề bạn thường gặp phải khi học ở trên lớp và đưa ra một vài lời khuyên mong là sẽ hữu ích với nhiều bạn.
1. Chán nản, mệt mỏi:
- Nguyên nhân thứ nhất: Vấn đề sức khỏe
Rất có thể tối qua bạn chưa ngủ đủ giấc vì mải cày một bộ phim nào đó, hay bạn say mê với những đoạn phim “cuốn” vô cùng trên mạng, cũng rất có thể buổi sáng bạn có thói quen tắt đồng hồ báo thức và đi ngủ tiếp, bạn lỡ dậy quá muộn và không kịp ăn sáng,… Tất cả những vấn đề đó đều ảnh hưởng rất lớn đến việc học trên lớp của bạn, khiến bạn mệt mỏi, chỉ muốn nằm ườn ra bàn. “Ôi mỏi lưng quá, nằm ra bàn học cho đỡ mệt cũng được” ? “Ừ thôi hơi mỏi mắt, nhắm vào một tý cho đỡ mỏi vậy” ? “Tai mình vẫn đang nghe cô giáo giảng này… nhưng sao tiếng dần dần bé đi… sao không thấy cô nói nữa nhỉ…” ? 3 tiếng sau, chuông báo tan học, giật mình tỉnh dậy.
Giải pháp đề xuất: Ăn đủ, ngủ đủ, ăn đúng, ngủ đúng, tự mình chuẩn bị một thể chất thật tốt cho những giờ học kéo dài.
- Nguyên nhân thứ hai: Tự mình không có mục tiêu học
Ủa mình học cái này để làm gì? Tại sao mình phải học môn này? Môn này chẳng có ích gì cho mình cả!
Bạn thân yêu à, dù bạn đúng hay sai thì cuối cùng bạn vẫn phải học. Hãy có tư duy chắt lọc và lượm lặt bởi môn nào đã được đưa vào chương trình dạy và học thì kiểu gì cũng có những thứ hữu ích cho ta. Hãy cố gắng tìm được những lý do, những yếu tố mà bản thân mình thấy hay ho ở môn học này. Đằng nào cũng phải học, thôi thì học cho ra tấm ra món, ra thứ gì đó mà giúp tiết kiệm tiền học lại, thi lại vậy.
- Nguyên nhân thứ 3: Thầy cô giảng bài quá chán
Quả thật không sai, nhiều thầy cô giảng bài không hề có tính sáng tạo, khiến học sinh, sinh viên vô cùng buồn ngủ, chán ghét môn học này. Nhiều thầy cô giảng quá dễ, khiến ta thấy mất thời gian khi nghe. Lại cũng có nhiều thầy cô giảng quá khó, quá trừu tượng, không truyền tải được kiến thức cho học sinh. Với trường hợp đầu tiên, bạn hãy đọc tài liệu trước ở nhà, đọc sách báo, tìm tòi thông tin liên quan và tự mình vạch ra những câu hỏi chưa giải quyết được. Khi lên lớp, chúng ta sẽ tận dụng thời gian để hỏi những thứ chúng ta không hiểu thay vì phàn nàn về việc kiến thức giảng quá dễ. Tất nhiên, các thầy cô cũng sẽ sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của bạn thôi. Với trường hợp còn lại, dù bạn không hiểu gì cả nhưng cũng đừng quá lo lắng. Hãy cố gắng chép toàn bộ những gì thầy cô nói vào vở, sau giờ học đó chúng ta sẽ dành thời gian từng bước từng bước cố gắng hiểu nội dung thầy cô muốn truyền đạt, còn điểm nào vẫn chưa hiểu thì liên hệ bạn bè thầy cô để được giải đáp.
2. Mất tập trung:
- Nguyên nhân thứ nhất: Khả năng tập trung của con người không phải ai cũng tốt
Nhiều nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta thường chỉ tập trung được trong 10 phút, và sau đó, các giáo viên cần kéo lại sự chú ý của học sinh, sinh viên bằng cách đặt ra những câu hỏi tác động vào cảm xúc và nhận thức của họ. Ví dụ: “Các em đã thấy bức ảnh này ở đâu chưa?”, “Các em cảm thấy như thế nào khi nhìn thấy cái này?”,… Thật vậy, khoa học đã chứng minh não thường tập trung hơn vào những thứ liên quan đến cảm xúc. Tất nhiên, không phải thầy cô nào cũng biết điều đó, chính vì thế học sinh, sinh viên chúng ta phải tự lấy lại sự chú ý cho mình, để tránh tình trạng chán nản trong dòng chảy dài đằng đẵng của giờ học.
Một cách giải quyết rất đơn giản là bạn hãy chăm chỉ giơ tay phát biểu. Đây chính là một trong những cách bắt bản thân mình tập trung tốt nhất. Hơn nữa, bạn còn giành cơ hội để được sửa, được chữa lỗi. Còn gì tuyệt hơn? Đừng ngại phát biểu bởi bạn biết không, bạn chính là đứa cứu cánh cho cả lớp, cho những con người bị động, mỗi lần thầy cô hỏi là chỉ biết cúi đầu để tránh đụng phải ánh mắt của giáo viên. Mỗi khi bạn giơ tay là có rất nhiều người thở phào nhẹ nhõm, một là bởi họ không dám phát biểu, hai là vì những câu hỏi mà bạn đưa ra có thể cũng chính là vấn đề mà họ đang gặp phải. Biết đâu họ đang thầm cảm ơn bạn thì sao?
- Nguyên nhân thứ hai: Vấn đề cá nhân
Bạn gặp phải một vấn đề nào đó, chuyện gia đình, chuyện bạn bè, hay chuyện bạn lỡ nhận điểm kém ở một môn nào khác,… Những điều đó cứ lởn vởn trong đầu bạn, khiến bạn không tài nào tập trung vào bài giảng của thầy cô được.
Giải pháp: Hít thở đâu, tự hỏi bản thân xem nó có đáng để bạn bận tâm không, viết những mối bận tâm đó vào một cuốn sổ mang tên “sổ xao nhãng”, tự nhủ khi nào tan học mình sẽ giải quyết tiếp. Khi mình viết ra rồi, não bộ sẽ ghi nhận và tự động không cho những mối bận tâm đó lởn vởn xung quanh nữa. Ngoài ra, hãy học cách quản lý cảm xúc của chính mình, cố gắng giao tiếp và tự vấn.
- Nguyên nhân thứ ba: Môi trường học
Môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng nhiều đến bạn. Lớp quá đông, bạn bè nói chuyện rôm rả, đứa đằng trước quá cao, rồi thỉnh thoảng nhìn sang đứa bên cạnh tự hỏi: “Sao tay nó lắm lông thế?”, nhìn bạn đằng trước: “Không biết mấy ngày rồi nó chưa gội đầu mà tóc bết thế?”. Ối giời ơi, nói chung là những thứ nhỏ nhặt này cũng làm ta bận tâm không ít đâu.
Thế thì phải làm sao? Hãy ngồi bàn đầu, đối diện với giáo viên. Vừa nghe rõ thầy cô giảng, vừa không có những đứa xung quanh ảnh hưởng. Tiện thể bạn cũng có thể ghi âm bài giảng để về nhà nghe lại. Cách dẫn dắt vấn đề, đưa ra những chỉ dẫn của các thầy cô cũng rất đáng để học hỏi, nó sẽ giúp ta nhớ bài học một cách có logic, hệ thống.
- Nguyên nhân thứ tư: Sốc văn hóa
Rất nhiều sinh viên khi bắt đầu bước vào giảng đường Đại học đã bị choáng ngợp và sốc toàn tập. Học quá nhanh, giờ học quá dài, quá nhiều bài tập, mà đã thế học lại khác thi rất nhiều. Quả là bể khổ mà.
Nhưng đừng quá ám ảnh về điều này, đến với môi trường mới nào ta cũng cần có thời gian để thích nghi. Hãy giao lưu, kết bạn và đặc biệt là tương tác tốt với thầy cô để hỏi sự giúp đỡ khi cần thiết.
———————-
Voilà, trên đây là những gì Fi thực sự muốn chia sẻ để giúp đỡ các bạn trong công cuộc học tập trên lớp đầy vất vả và gian truân. Hãy cố gắng kiên trì áp dụng những lời khuyên trên, biết đâu bạn sẽ nhận lại kết quả ngoài trông đợi. Thực sự Fi rất rất mong mọi học sinh, sinh viên đều tìm ra được những phương pháp học phù hợp với bản thân mình bởi nhìn thấy các bạn bế tắc là lòng chúng tớ không yên chút nào.
– Đội ngũ FI –