Bí kíp cải thiện kỹ năng Viết trong việc học ngoại ngữ
Gần đây, nhiều bạn hỏi giáo viên trung tâm tiếng Pháp FIclasse cách cải thiện kỹ năng Viết. Thật ra, bất kỳ kỹ năng nào còn yếu, cách tốt nhất là LUYỆN TẬP NHIỀU HƠN. Các bạn tích cực viết, và nhờ giáo viên của mình chấm giúp. Đó là người hiểu rõ nhất điểm mạnh yếu của các bạn, sẽ giúp các bạn tốt nhất. Ngoài ra, học hỏi từ chính bản thân mình cũng giúp các bạn mau tiến bộ.
Dưới đây là một vài gợi ý để giúp các bạn rõ ràng hơn khi luyện viết nhé!
Thời đại thay đổi, phương pháp học cũng có nhiều tiến bộ, nhưng học sinh thời nào cũng gặp những khó khăn tương tự nhau khi học. Vấn đề của đa số các bạn học viên là không xác định được chính xác khó khăn của bản thân để tìm ra phương pháp khắc phục phù hợp với từng cá nhân.
Viết là một nội dung rất quan trọng trong việc học ngoại ngữ. Để làm bài viết, các bạn phải có đầy đủ kĩ năng từ từ vựng và việc xử lý từ vựng, ngữ pháp, tư duy ngôn ngữ và kiến thức xã hội… Viết tốt chứng tỏ bạn có kĩ năng tư duy và kiến thức xã hội tốt (nên bài viết mới chặt chẽ, có ý tứ, có ví dụ chứng minh điều bạn nói, và mục đích của bài viết rõ ràng, người đọc có thể hiểu ngay), ngữ pháp tốt (đặt câu đúng ngữ pháp, logic) và kĩ năng từ vựng tốt (mình nhấn mạnh là kĩ năng sử dụng từ vựng, khi bạn đã ngồi trong phòng thi, sẽ quan trọng hơn nhiều số lượng từ vựng mà bạn có). Tin buồn là: Nhiều bạn sợ làm bài viết, vì nó “khó”. Tin vui là: Nếu bạn thực sự lưu tâm, bạn có thể cải thiện điểm số bài viết mà không cần học thêm những thứ quá khó, quá “đao to búa lớn”.
Hãy cùng xem các lỗi mà chúng ta hay “vướng”:
– Lỗi chính tả: Đây là lỗi thường gặp nhất trong các bài viết. Khi các bạn đọc lại bài của mình, nhìn thấy lỗi chính tả đa phần cười xòa vì nghĩ nó cũng không quan trọng lắm. Và nghĩ cái này mình biết, chỉ là nhầm tí thôi. Nhưng thực tế, đây chính là lỗi lấy đi của các bạn số điểm không nhỏ, cũng là lỗi đáng trách nhất khi làm bài. Các bạn cần hiểu rằng sát thời điểm thi, chúng ta không thể cải thiện vượt bậc về kiến thức. Nhiệm vụ của chúng ta lúc ấy là tối ưu hóa điểm số mà thôi.
– Lỗi chia động từ: Lỗi này thường gặp ở 2 dạng. Dạng 1 là bạn xác định đúng thời và thức của động từ nhưng lại nhớ nhầm cách chia. Dạng này thì buộc phải ôn thôi, không có cách gì giúp bạn. Bạn có thể sử dụng cuốn “Hướng dẫn chia động từ tiếng Pháp”, để ôn phần này, chứ không phải để tra như tra từ điển bạn nhé, như thế sẽ không bao giờ nhớ vì ỷ có bảo bối trong tay mà. Dạng thứ 2 là khi mải đuổi theo ý, bạn thường chia luôn động từ ở thời hiện tại. Về dạng này, hãy chuẩn bị ý ra nháp trước khi làm. Hoặc giả sử đã chuẩn bị nhưng lúc làm bạn muốn bổ sung thêm ý, thì hãy cứ đuổi theo ý. Nhưng không bao giờ được bỏ qua động tác kiểm tra lại. Động tác này sẽ “cứu” nhiều điểm số của bạn đấy.
– Lỗi cấu trúc động từ: Lỗi này cũng rất hay gặp. Và là lỗi bị trừ rất nặng. Cấu trúc động từ là cái xương sống của câu. Xương sống bị lệch thì dù bạn đắp thịt tốt thế nào, câu cũng phát triển “xiên xẹo”. Mà phần cấu trúc động từ liên quan đến rất nhiều hiện tượng ngữ pháp. Vậy nên, thấy cấu trúc nào là lạ là nhớ luôn, bạn nhé.
– Lỗi “mot-à-mot”: Khi nghĩ ra một ý hay ho bằng tiếng Việt, muốn chuyển sang tiếng Pháp, bạn cần tìm cách diễn đạt tương đương nhé. Nếu không thể hãy chuyển sang ý khác dễ diễn đạt hơn, đừng cố diễn đạt ý mà bạn nghĩ là rất hay bằng cách dịch từng từ, theo kiểu: Thủ công là đầu con công. Với giáo viên mà nói, họ sẽ đánh giá lỗi này là bạn chả hiểu gì, đôi khi có thể họ sẽ nghi ngờ phần thành quả trong các câu khác, bài khác của bạn là sự sao chép, bạn sẽ bị chấm chặt hơn bình thường.
– Lỗi dùng từ sai: Lỗi này càng học lên cao bạn sẽ càng ít mắc hơn, nhưng ngay từ đầu bạn cũng có thể khắc phục. Lỗi này có thể do bạn “bí” từ vựng, hoặc không hiểu đúng bản chất nghĩa của từ. FIclasse chia sẻ với các bạn một kĩ thuật, đấy là “phân tích nội ngữ” của từ hoặc câu cần diễn đạt: trước khi quyết định chọn từ gì để diễn đạt ý bạn muốn nói, bạn cần tìm các từ tương đương bằng tiếng Việt, mục đích để hiểu đúng bản chất ý mình muốn, không bị các hiện tượng như “từ đồng âm, gần nghĩa…” làm cho hiểu nhầm. sau đó xem từ mình định chọn có thỏa mãn tất cả các từ đồng nghĩa mình tìm ra hay không. Mục đích cuối cùng là tìm phép diễn đạt tương đương giữa 2 ngôn ngữ, đảm bảo cả về mặt sắc thái biểu đạt.
– Lỗi logic: Đôi khi các bạn đọc đề không kĩ, dẫn đến viết cả bài nhưng không nhằm trả lời câu hỏi mà đề bài đưa ra. Lạc đề thì theo nguyên tắc sẽ không được chấm nữa, vì như thế là bạn không thỏa mãn được bất kì yêu cầu nào. Cần hết sức chú ý diễn đạt sao cho trả lời được câu hỏi đề bài đặt ra nhé. Một lỗi logic khác là bạn không có mở bài, kết luận đầy đủ. Hoặc các ý đưa ra trong phần thân bài có mâu thuẫn, không mạch lạc, ví dụ bạn chia bài viết ra làm 2 ý, nhưng thực chất ý 2 chỉ là ý nhỏ của ý 1, chứ không phải một ý tách bạch như bạn cố tình gán vào. Hoặc bố cục bài không hợp lý, mở bài dài thân bài ngắn, hoặc giữa ý nọ ý kia không có sự phân bổ hợp lý, nói chung là các bạn viết tùy hứng, nghĩ gì viết nấy… Có lời khuyên các bạn hãy dùng giấy nháp, phác thảo dàn bài, lựa chọn ý lớn ý nhỏ và ví dụ chứng minh rõ ràng trước đi, rồi hãy bắt tay vào viết.
– Không sử dụng hoặc sử dụng không đúng các từ nối (liên từ): trong văn Pháp, liên từ rất quan trọng để tạo logic cho cả bài, cho cả người viết và người đọc. câu có phức tạp đến đâu, dài đến đâu, người ta vẫn hiểu rõ ý bạn chính là nhờ công cụ này. Hãy học cách sử dụng liên từ thuần thục, phong phú để người chấm có cảm tình với bài của bạn ngay từ đầu nhé.
– Những lỗi kiểu như quên hợp giống hợp số, dùng nhầm chủ ngữ,… cũng có nhưng ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, một lần nữa, những lỗi kiểu này ít, ngớ ngẩn nhưng “tích tiểu thành đại”, sẽ lấy đi của các bạn số điểm cũng ngớ ngẩn không kém, sẽ thật đáng tiếc, bạn ạ.
Mục đích khi bạn đã ngồi trong phòng thi là “tối ưu hóa điểm số”, giống như các doanh nhân người ta luôn tìm cách “tối ưu hóa lợi nhuận” vậy. Đừng bắt đầu với bài viết ngay từ những phút đầu tiên bạn ngồi trong phòng thi. Khi tập trung vào đây, bạn rất dễ sa đà, bỏ quên các phần khác. Lúc viết xong thì làm các phần khác cẩu thả, đó rõ ràng không phải cách thông minh. Tận dụng thời gian làm nhanh các phần dễ “ăn” điểm hơn, để não quen với sự tập trung, sau đó kiểm tra những phần đã làm để yên tâm và tự tin một chút trước khi vào bài viết.
Làm bài viết, khi đọc đề chúng ta thường xác định từ khóa thôi, không hay để ý toàn bộ câu hỏi, vì vậy dẫn đến những lỗi “lạc đề” đáng tiếc. Để tránh điều này, khi xác định từ khóa, bạn nghĩ trong đầu để những từ vựng liên quan đến chủ đề được não “lấy” trong các “ngăn kéo” được cất giữ cẩn thận ra. Sau đó trước khi thành lập ý RA NHÁP, hãy đọc lại câu hỏi. Giấy nháp rất quan trọng, kể cả với các bạn học sinh giỏi. Sử dụng giấy nháp ra sao là do tư duy mỗi người, nhưng hãy lưu ý 2 điểm: Thứ nhất không viết ra giấy nháp toàn bộ bài. Như thế mất thời gian mà lúc cần xem lại sẽ làm bạn rất rối trí. Thứ 2 là nên viết ra nháp sao cho nhìn thấy ý lớn ý nhỏ rõ ràng, trong quá trình viết, nhìn vào đó, bạn sẽ cân nhắc được viết mỗi phần dài ngắn nông sâu thế nào là hợp lý. Khi nháp xong bạn chọn ý nào sẽ là điểm nhấn, để bạn chọn nói nhiều hơn, sâu hơn so với ý khác. Hãy làm nổi bật ý đó trên nháp. Và bắt đầu viết.
Trong quá trình viết, lưu ý kĩ năng từ vựng. Đừng quá lo lắng khi không nghĩ ra từ gì diễn đạt điều bạn muốn. Liên tục sử dụng kĩ thuật “phân tích nội ngữ” để tìm ra cách diễn đạt tương đương. Bạn phải hiểu, là đề thi được thiết kế cho trình độ của bạn, tức là bạn phải làm được, bằng cách này hay cách khác. Hãy tự tin!
Viết xong, nhất thiết phải đọc lại, với tâm thế của một độc giả, không phải tác giả. “nếu cần soi mình sẽ soi thấy điểm gì?”- hãy hỏi mình như vậy. Tự chấm điểm cho mình dựa trên các tiêu chí chấm lỗi: Chính tả, ngữ pháp, từ vựng… như mình nói ở trên. Thậm chí thêm các tiêu chí khác bạn tự đặt ra thì càng tốt. Với con mắt khó tính, nhất định bạn sẽ giúp tác giả, chính là bạn, đạt điểm tốt nhất có thể đấy.
Chúc các bạn không còn “sợ” kĩ năng viết, 1 trong 4 kĩ năng quan trọng khi học ngoại ngữ, cũng là đòi hỏi bắt buộc với hầu hết các công việc hiện nay!
– Trần Khánh Hà –