Ai là “cha đẻ” chữ Quốc Ngữ
Các nhà khoa học đã dành thời lượng lớn để xác định ai là người khai sinh chữ quốc ngữ – đề tài đã được các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước bàn thảo, tranh luận hơn 100 năm qua.
.
Tại hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ tổ chức tại Điện Bàn, Quảng Nam ngày 24.8, các nhà khoa học đã dành thời lượng lớn để xác định ai là người khai sinh chữ quốc ngữ – đề tài đã được các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước bàn thảo, tranh luận hơn 100 năm qua.
.
Hội thảo do Bộ KH-CN, Bộ VH-TT-DL, Hội Khoa học lịch sử VN, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức.
.
“Xét lại” Rhodes
Khởi đầu từ năm 1912, giáo sĩ người Pháp Léopold Michel Cadière đã khẳng định trong cuộc hội thảo về văn hóa VN tại Paris rằng công lao phát minh ra chữ quốc ngữ thuộc về giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes (1591-1660). Chính luận điểm của một học giả có uy tín như Cadière đã được nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa VN mặc nhiên chấp nhận.
.
Đến năm 1950, GS Dương Quảng Hàm viết sách VN văn học sử yếu cũng đánh giá Rhodes có công nhất, là người đầu tiên đem in những cuốn sách bằng chữ quốc ngữ. Giai đoạn 1985 – 1991, các nhà nghiên cứu như GS-TS Lê Văn Hảo, Vũ Ngọc Phan, GS Nguyễn Văn Hoàn… cũng nhận định Rhodes là người đầu tiên đã học hỏi nghiên cứu các cung giọng trong tiếng Việt để hoàn thiện sự phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái Latin, có công đầu trong việc nghiên cứu, có vai trò đặc biệt “mà không ai có thể tranh chấp được”… Năm 1994, đề tài khoa học cấp nhà nước Chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20 do Hoàng Tiến chủ biên cũng tiếp tục đánh giá Rhodes “là đại diện và giữ công đầu” trong việc khai sinh chữ quốc ngữ.
.
Tuy nhiên, công lao của Rhodes đã bị nhóm nghiên cứu độc lập Đinh Trọng Tuyên – Đinh Bá Truyền (Quảng Nam) mạnh mẽ lên tiếng đòi “xét lại” tại hội thảo. Trong tham luận của mình, nhóm nghiên cứu do ông Tuyên đại diện đã liệt kê nhiều ý kiến trái chiều đối với L.M.Cadière. Cụ thể, năm 1927, học giả Phạm Quỳnh nêu ý kiến “không phải một người nào làm ra một mình” đối với chữ quốc ngữ. Năm 1955, học giả Georges Taboulet (Pháp) trong cuốn Công trạng của Pháp ở Đông Dương mở rộng góc nhìn hơn khi bàn về việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latin, cho rằng việc khai sinh chữ quốc ngữ là công lao tập thể, còn linh mục de Rhodes đã hệ thống hóa, chỉnh lý và phổ biến loại chữ này. Đáng chú ý, năm 1972, linh mục Joseph Đỗ Quang Chính tỏ ra hoài nghi luận điểm của Cadière khi cho rằng Rhodes chỉ là một trong những người sáng lập “nhưng xem ra phần đông lại đề cao quá mức sự nghiệp của ông”.
.
Bản kinh Lạy Cha năm 1632, do Pina và một thanh niên giáo dân người Việt lần đầu dịch sang tiếng Việt |
.
“Vai trò số 1” của linh mục Pina
Nhóm nghiên cứu Đinh Trọng Tuyên đã đưa ra những cứ liệu cho biết linh mục người Pháp Roland Jacques đã phát hiện 2 tác phẩm chưa công bố của linh mục người Bồ Đào Nha Francisco de Pina (1585 – 1625) gồm bức thư viết dở bằng Bồ ngữ ở Ma Cao và tiểu luận Nhập môn tiếng Đàng Ngoài bằng La ngữ tại Bồ Đào Nha. Nhờ đó, năm 2002 Roland Jacques đã chứng minh Pina mới chính là người đầu tiên sáng tạo ra chữ quốc ngữ.
.
Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã dẫn lời tựa do chính Alexandre de Rhodes viết khi xuất bản cuốn Từ điển Việt – Bồ – La (năm 1651) công khai thừa nhận vai trò số 1 của linh mục Pina trong việc Latin hóa tiếng Việt. Pina đến Đàng Trong năm 1617, sau đó học tiếng Việt, trở thành giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch. Ông biên soạn tài liệu Phương pháp Latin hóa tiếng Việt và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt; dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác, trong đó có Rhodes (đến Thanh Chiêm năm 1624).
Tại phiên kết luận hội thảo chiều qua, nhà sử học Dương Trung Quốc thống nhất với nhiều tham luận không cho Rhodes là “cha đẻ” của chữ quốc ngữ (như quan điểm của nhiều học giả kỳ cựu trước đây); đồng thời đánh giá linh mục de Pina chính là người sáng tạo chữ quốc ngữ, còn linh mục de Rhodes là người hoàn thiện xuất sắc, và Thanh Chiêm là nơi đầu tiên xuất phát chữ quốc ngữ. “Người Pháp có ý đồ khi nhấn mạnh vai trò của giáo sĩ Pháp Rhodes khi họ vào Đông Dương và có chính sách mới đối với văn hóa bản địa”, ông Quốc nói.
.
Một chi tiết thú vị được nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Quý (TP.HCM) đề cập là, tuy người Pháp có lợi dụng chữ quốc ngữ để củng cố chế độ bảo hộ ở VN, nhưng cuối cùng chữ quốc ngữ đã trở thành vũ khí khơi dậy tinh thần quốc gia dân tộc.
.
.
Vai trò của người Việt và Nhật
Tại hội thảo, bà Châu Yến Loan (tác giả cuốn Dinh trấn Thanh Chiêm – kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong, NXB Đà Nẵng – 2015) đã nhắc đến vai trò của người VN cộng tác với giáo sĩ Pina, đó là thanh niên giáo dân có tên đạo là Phêrô cùng với Pina lần đầu tiên dịch một số bản kinh sang tiếng Việt hồi năm 1618, khởi đầu công cuộc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin. Bên cạnh đó, các tên tuổi học giả như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Vĩnh… cùng nhiều người Quảng cũng đã đóng góp tích cực trong việc phổ cập và truyền bá chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ 20 thông qua phong trào Duy Tân và hoạt động của các chí sĩ đương thời.
.
Nhà nghiên cứu Fukuda Yasuo (Trường đại học Hà Nội) thì nhìn nhận vai trò của người Nhật trong việc hỗ trợ thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latin tại xứ Quảng, trong đó có Miguel Maki và Josef Tsuchimochi (đến Đàng Trong giai đoạn 1615 – 1624).
.
Tại hội thảo, linh mục Nguyễn Trường Thăng (Quảng Nam) đã đề xuất tổ chức một ngày tôn vinh chữ quốc ngữ và thành lập một bảo tàng chữ quốc ngữ.
.
– Bài viết này đăng trên báo điện tử Thanh Niên, ngày 25/8/2016 –
Link đầy đủ: https://thanhnien.vn/ai-la-cha-de-chu-quoc-ngu-185587553.htm#
.
Gần đây, mình bị ấn tượng bởi cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ của Thái Hà Book, phiên bản dành cho những người sưu tầm. Lần đầu mình biết ở Việt Nam cũng xuất bản loại sách “đắt đỏ” này. Vì vậy mình đi tìm lại bài viết trên, là bài viết mình đã đọc từ lâu. Trân trọng giới thiệu cùng các bạn.