[THPT QG] Hướng dẫn các bước chọn ngành, chọn trường với các sĩ tử THPT QG
Chọn ngành, chọn trường có lẽ là vấn đề mà các bạn trăn trở nhiều nhất. Với tâm lý ngành mà mình chọn hiện tại sẽ là cả tương lai của mình, các bạn vô cùng áp lực đúng không. Thêm nữa, có nhiều lời tư vấn khác nhau từ bố mẹ, người thân khiến bạn chưa biết phải nghe ai, cũng không biết bắt đầu từ đâu để xử lý kho thông tin khổng lồ trên mạng. Nào hãy bình tĩnh lại, Fi sẽ giúp các bạn xử lý theo từng bước. Sẽ ổn thôi mà.
Nhưng điều đầu tiên chúng mình muốn bạn nhớ, vì việc lựa chọn này quan trọng, nên bạn cần bình tĩnh hết mức có thể, tránh đặt quá nhiều cảm xúc vào đó, đặc biệt là cảm xúc lo lắng. Thêm nữa, các bạn hãy xác định rõ, dù bạn có chọn sai đi chăng nữa, vẫn có những cách khác, những cơ hội khác mở ra với bạn.
Nào bây giờ, gạt mọi lo lắng và thực hiện các bước mà Fi “bày” cho bạn, để chọn trường và ngành cho mình nhé.
Bước 1: Ngành/ công việc mình thích là gì nhỉ?
Bước 2: Nghiên cứu ngành mà mình lựa chọn ở Bước 1
Bước 3: Xếp nguyện vọng theo theo thứ tự ưu tiên
Cụ thể là:
Bước 1: Ngành/ công việc mình thích là gì nhỉ?
Bất cứ ý niệm nào nảy ra trong đầu bạn khi đọc được câu hỏi này, hãy ghi nhận nó! Bởi sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ dành phần lớn thời gian của mình cho công việc. Do đó, tốt hơn hết là bạn nên gắn bó với công việc mình thực sự yêu thích. Sự yêu thích, đam mê sẽ giúp bạn hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
Đừng tự tạo rào cản bản thân bằng những khó khăn như: mình không đủ khả năng, gia đình mình không có điều kiện để theo ngành này,… cũng đừng sợ chọn sai. Giống như mình cầm tiền ra chợ mà chưa tiêu vậy, tiền vẫn đang còn nguyên trong ví mà!
Trước tiên hãy xác định (1 hoặc 1 vài) ngành mà mình “hứng thú” hơn các ngành khác đã, tìm hiểu kỹ lưỡng rồi quyết định sau.
Bước 2: Nghiên cứu ngành mà mình lựa chọn ở Bước 1
(1) Với ngành mà bạn thích, hãy xem xung quanh bạn có ai đang học hoặc làm công việc liên quan không nhé! Trò chuyện với họ để lắng nghe những đánh giá, cảm nhận thực tế từ người trong cuộc về khả năng “sống được” với nghề? Đi tìm một người đang là phiên bản tương lai của mình mà hỏi. Khi bạn nghe được từ chính phiên bản mình muốn trở thành về nghề nghiệp đam mê của mình, bạn sẽ có đủ dữ liệu để cân nhắc và đưa ra quyết định đó có phải là thứ mình đam mê và là thứ có thể nuôi sống mình. Lý tưởng nhất là bạn tìm được người yêu nghề để hỏi, vì người không yêu nghề có thể sẽ cho bạn những nhận định sai, làm bạn nhụt chí cho dù họ đang làm công việc đó.
Ngoài ra, còn những nguồn nào có thể xin lời khuyên nữa?
Nếu bố mẹ không phải là người có khả năng thu thập thông tin, đánh giá khách quan thì chỉ nên xin ý kiến họ khi bạn đã thu thập được tương đối đầy đủ thông tin nhé.
Bạn có thể nhận được tư vấn từ:
(2) Bác Google: tham khảo trên internet là việc chưa bao giờ thừa. Tìm kiếm từ khóa về ngành đó để xem góc nhìn từ nhiều người khác nhau ra sao. Khi cảm thấy có quá nhiều luồng thông tin, không cần hoang mang đâu vì đó chính là lợi thế mà bạn có thể tận dụng.
Trước đây khi chưa có internet, các bạn học sinh không có nhiều thông tin tham khảo nên thường mắc bẫy tin vào các quan niệm sai lầm, cố hữu của xã hội, như học Sư phạm chỉ để không phải trả học phí chứ không phải vì yêu trẻ, học Ngoại ngữ chỉ là một công cụ, không thể là một nghề được; hay học Quản trị kinh doanh ra có thể làm nghề nào cũng được dẫn đến lựa chọn nhầm ngành và vỡ mộng sau khi học.
Giờ đây với internet, bạn sẽ có thông tin đa chiều hơn, việc của mình là tổng hợp, phân tích và nhìn nhận khách quan thay vì phụ thuộc vào ý kiến của một hoặc một nhóm người. Hãy quan tâm đến các yếu tố:
– Yêu cầu của ngành nghề: Bên cạnh sở thích cá nhân thì yêu cầu của ngành nghề cũng là một yếu tố quan trọng. Mỗi ngành nghề lại có một yêu cầu riêng: sức khỏe, ngoại hình, tính cách, khả năng giao tiếp… Chọn một ngành nghề có sự phù hợp nhất định với sở trường, điểm mạnh của bản thân sẽ giúp các bạn dễ dàng thành công hơn trong sự nghiệp.
– Nhu cầu nhân lực của ngành nghề: Những ngành nghề được dự báo có nhu cầu nhân lực cao trong một vài năm tới đương nhiên sẽ cho bạn nhiều cơ hội hơn sau này, đúng không nào.
Qua quá trình tìm hiểu, bạn sẽ biết ngành mình thích trong thực tế có “hay ho” và “tiềm năng” như bạn nghĩ.
(3) Tìm đọc các sách, báo, tài liệu chính thống về thông tin tuyển sinh của các trường
Xem điểm đầu vào 2 năm gần nhất của các trường có ngành mà bạn mong muốn, đồng thời đánh giá khả năng hiện tại của mình thi được bao nhiêu điểm, nếu quyết tâm thì đến lúc thi có thể đạt bao nhiêu điểm?
So sánh 2 con số này để khoanh vùng các lựa chọn ban đầu và có mục tiêu phấn đấu cho bản thân.
(4) Nghe các buổi tư vấn tuyển sinh
Hiện tại rất thuận tiện cho các bạn khi nhiều trường Đại học tổ chức tư vấn tuyển sinh thông qua kênh online hoặc trực tiếp, các bạn có thể dễ dàng sắp xếp thời gian vào nghe, từ đó có được những thông tin sát thực về việc ngành học đó sẽ được đào tạo những gì trong trường Đại học, chính sách học bổng, môi trường học của trường ra sao, tốt nghiệp sẽ có những cơ hội việc làm như thế nào,…
Lưu ý: Hãy chọn ngành học cụ thể, đừng chọn ngành chung chung
Đây là một điều khá quan trọng! Thay vì chọn những ngành chung chung, không đào tạo về một kỹ năng cụ thể, bạn nên chọn các ngành chuyên đào tạo một mảng cụ thể như: marketing, kế toán – kiểm toán, tài chính – ngân hàng, công nghệ thông tin, biên phiên dịch, du lịch…
Bước 3: Xếp nguyện vọng theo theo thứ tự ưu tiên
Tiêu chí ở bước này là: Chọn ngành theo mong muốn rồi đến Chọn trường theo khả năng.
Ngành sẽ quan trọng hơn Trường, bởi học Trường nào không quan trọng bằng khả năng tự học và tự tìm kiếm cơ hội của bản thân.
Tuy nhiên, cũng nên ưu tiên chọn trường có thế mạnh đào tạo về ngành nghề mình chọn. Điều này sẽ giúp bạn được đào tạo bài bản hơn và về sau sẽ gây ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng. Ví dụ bạn muốn học ngành Công nghệ thông tin, thì các trường Kỹ thuật – Công nghệ như Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ Bưu chính viễn thông sẽ phù hợp hơn là Đại học Kinh tế Quốc dân; ngược lại, bạn đang muốn ra trường làm trong phòng Kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp thì học ĐH Kinh tế Quốc dân lại tốt hơn học ngành Kinh tế của ĐH Bách Khoa chứ nhỉ? Các bạn thi khối D và muốn trở thành một giáo viên ngoại ngữ, rõ ràng ĐH Sư phạm Hà Nội hay ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ phù hợp hơn lựa chọn trường có thế mạnh đào tạo biên phiên dịch như ĐH Hà Nội và ngược lại.
Những năm trước đây, Bộ GD-ĐT có phát hành Quyển Những điều cần biết Tuyển sinh ĐH-CĐ, các bạn có thể tìm lại cuốn đó để xem TÊN các ngành, rồi tìm kiếm xem năm nay có thêm những cái tên nào mới để tham khảo.
~~~
Hi vọng với những chia sẻ trên đây, các bạn 2k4 sẽ thấy việc lựa chọn ngành, trường cho mình không còn quá khó khăn.
Riêng với các bạn tới giờ vẫn chưa rõ mình thích gì, phù hợp cái gì,… thậm chí chưa xác định được cả khối khi thì chờ bài viết tiếp theo đây của FiClasse nhé. Chúc các bạn thành công!
– Thanh Ngân –