38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Góp phần làm nên “hương vị ngày Tết” chính là những mâm cỗ công phu, đủ đầy được chuẩn bị để cúng Gia tiên, sum họp gia đình trong bữa cơm Tất niên và mời khách đầu năm mới. Ẩm thực ngày Tết hết sức đa dạng, đậm đà bản sắc Việt. Hãy cùng Tiếng Pháp Thú Vị tìm hiểu sự độc đáo riêng biệt trong phong vị món ăn ngày Tết của ba miền Bắc – Trung – Nam nhé!
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những người con xa quê lại trông ngóng từng ngày để được trở về nhà, quây quần bên gia đình, bận rộn chuẩn bị đón năm mới, phụ giúp người thân sửa soạn mâm cơm cúng thật thịnh soạn, tươm tất. Nhắc đến hương vị của mâm cỗ Tết, mỗi vùng miền đều sở hữu cho mình những đặc sản rất riêng, những dấu ấn không thể lẫn vào đâu được.
Miền Bắc – se se lạnh với thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh
Trước bếp lửa đỏ hồng, câu chuyện Lang Liêu làm ra bánh Chưng, bánh Giày tế bái đất trời luôn được ông bà thủ thỉ kể cho con cháu, nhắc nhở về món ăn cổ truyền, lâu đời nhất của người miền Bắc trong ngày Tết – bánh Chưng. Gạo nếp thơm dẻo, đậu xanh cà vỏ bùi béo và thịt ba chỉ tẩm ướp đậm đà được gói vuông vắn trong những lớp lá dong xanh mướt, luộc rền từ 8-12 tiếng rồi lấy ra xếp gọn cho ráo nước. Bánh Chưng xanh phải ăn với dưa hành, hương vị như được nhân lên nhiều lần, lại không bị ngán. Kỹ thuật “cắt bánh chưng bằng dây lạt” luôn thách thức trí nhớ của những đứa trẻ trong nhà, bởi xoay đĩa một cái là mọi thứ đều đảo ngược.
Món thịt ấn tượng nhất trong mâm cỗ Tết Bắc Bộ chính là món thịt đông – món ăn khá lạ lùng: vốn nguội lạnh, lại ăn trong tiết trời lạnh giá và kèm với dưa cải chua mới ngon. Thịt đông ngày nay được biến hóa đa dạng, không chỉ được nấu từ thịt ba chỉ lợn mà còn có thể từ thịt gà, thịt ngan hay chân giò.
Món rau muối lâu đời nhất chính là củ hành muối. Vị hăng hăng, cay cay của tép hành chua làm sống dậy những nốt vị nguyên sơ nhất của bánh chưng xanh, thịt đông ăn cùng cơm trắng nóng hổi.
Ngoài ra còn có thể kể đến các món ăn không thể thiếu khác như gà luộc chấm muối tiêu chanh, giò lụa, giò xào, nem cuốn, rau củ xào thập cẩm, canh măng khô nấu với chân giò, miến nấu lòng gà, canh mọc, xôi gấc, chè kho… Giữa tiết trời lạnh giá, trẻ con trong nhà được mẹ sai lấy bát đũa bày mâm cơm cúng tổ tiên, bóc cái bánh chưng, múc một bát dưa hành, rồi bê từng đĩa đồ ăn nghi ngút hương thơm để lên ban thờ cúng, nghĩ thôi cũng đã thấy nhớ nhà.
Miền Trung – phối hợp hoàn hảo giữa dân dã và kỹ lưỡng với bánh tét, thịt ngâm, dưa món
Nếu miền Bắc có bánh chưng xanh là linh hồn của mâm cỗ Tết, thì miền Trung có bánh tét, hay còn gọi là bánh đòn. Cũng bao gồm những nguyên liệu thơm ngon được chọn lựa kỹ càng như bánh chưng, nhưng bánh tét được gói bằng lá cuối theo hình trụ, khi ăn cắt từng khoanh tròn và thường ăn kèm cùng dưa món (bao gồm củ cải, cà rốt, dưa leo xắt thanh dài ngâm trong nước mắm đường). Đây cũng là món “dưa muối” giúp ta ngay lập tức nhận ra mâm cơm đoàn viên ngày Tết của người miền Trung.
Ngâm mắm đường là một cách chế biến món ăn khá độc đáo của người dân các tỉnh miền Trung, và từ đó món thịt ngâm mắm ra đời, gây ấn tượng vị giác đặc biệt cho mâm cỗ Tết. Thịt lợn được luộc chín, sau đó ngâm trong hũ mắm đường pha thật vừa, đủ độ ngấm thì vớt ra, thái mỏng bày đĩa, ăn kèm với dưa món.
Nếu miền Bắc có giò lụa thì miền Trung có giò bò, hương vị thơm ngon lạ miệng. Ngoài ra không thể thiếu nem chua, vốn là thức quà không thể thiếu khi đi ngang qua dải đất miền Trung. Một số món ăn khác như tôm chua thịt phay, nem bò lụi, chả tôm, thịt nạc rim, giò heo hon hay bánh tổ – món ăn xuất phát từ Trung Quốc với tên Niên Cao – ngụ ý một năm mới mọi thứ đều cao hơn, tốt hơn năm cũ.
Miền Nam – nắng vàng ấm áp với canh khổ qua, củ kiệu tôm khô và thịt kho trứng nước dừa
Người miền Nam cũng ăn bánh tét như miền Trung, nhưng đặc biệt đa dạng hơn khi thêm các loại nhân ngọt. Bánh tét nếp cẩm Cần Thơ với màu sắc tím ngọt, hương vị thơm dẻo đậm đà, trở thành thức quà của nhiều người con vùng miền khác đi làm ăn xa mang về mỗi dịp Tết.
Mâm cỗ Tết của người dân miền Nam không bao giờ thiếu nồi thịt kho hột vịt nước dừa. Thịt được chọn phải là miếng ba rọi đều đặn cả nạc lẫn mỡ để ăn không bị khô, kho cùng trứng vịt bùi béo, nước dừa xiêm ngọt mát đến khi miếng thịt mềm rục, mịn màng mà không bị nát. Ăn thịt kho trứng nước dừa kèm với dưa giá cải chua là đúng chuẩn bài, ăn một bát lại muốn ăn thêm bát nữa.
Củ kiệu muối khá tương tự với hành muối, nhưng trong mâm cỗ Tết Nam Bộ thường được ăn cùng với tôm khô hoặc thêm trứng bắc thảo, có thể độc lập trở thành một món nhắm ngon.
Ngoài ra, ta có thể điểm tên những món ăn hấp dẫn đặc sắc khác như canh khổ qua dồn thịt (ngụ ý mọi khổ đau đều sẽ trôi qua), gỏi gà xé phay, nem rán chấm mắm chua ngọt, gọi cuốn, cá lóc nướng cuốn bánh tráng…
Ẩm thực ngày Tết của ba Miền đã góp thêm phần phong phú vào nền ẩm thực Việt Nam, trở thành nét đặc trưng và điểm gợi nhớ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc, tô dấu ấn riêng biệt trong lòng mỗi người con của quê hương.
Tiếng Pháp Thú Vị đã cung cấp cho bạn rất nhiều từ vựng tên món ăn ngày Tết bằng tiếng Pháp. Nếu gặp người bạn Pháp nào trong tháng lễ Tết đặc biệt này, hãy phát huy khả năng của mình để truyền tải sự đa dạng ẩm thực Tết ba miền tới họ nhé!
– Thùy Lan –
Copyright © 2019 – All Rights Reserved. FI CLASSE