38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
7 mouvements artistiques célèbres dans le monde et en France
Nhắc đến Pháp, mọi người sẽ nghĩ đến điều gì? Nghệ thuật và tình yêu. Đây chính là nơi nảy sinh cảm hứng nghệ thuật, tinh hoa thẩm mỹ bất tận. Trong bài viết lần này hãy cùng Fi khám phá 7 trường phái nghệ thuật nổi tiếng không những ở Pháp mà còn trên toàn thế giới.
1. L’impressionnisme : trường phái ấn tượng
Trường phái ấn tượng là trào lưu nghệ thuật bắt đầu tại Paris – Pháp vào cuối thế kỷ XIX, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển của hội họa. Tên của trường phái này do nhà phê bình gọi theo bức tranh nổi tiếng “Impression, soleil levant” (Ấn tượng mặt trời mọc) của Claude Monet.
Đặc trưng của những bức tranh thuộc trường phái Ấn tượng đó là những nét vẽ cọ có thể nhìn thấy kết hợp với sự pha trộn màu đặc sắc với nhau và nhấn mạnh đến sự thay đổi ánh sáng trong tranh.
Các họa sĩ tiêu biểu của trường phái này có thể kể đến: Mary Cassatt, Paul Cezanne, Max Liebermann, Édouard Manet…
2. Le classicisme : trường phái cổ điển
Trường phái cổ điển chính là xu hướng hồi sinh nghệ thuật Hy – La cổ đại bằng tư tưởng nhân văn và khoa học do các hoạ sĩ, điêu khắc gia và kiến trúc sư thời Phục Hưng khởi xướng và phát triển, kéo dài từ thế kỷ XV tới thế kỷ XVII.
Hội hoạ cổ điển đã để lại cho nhân loại hàng loạt kiệt tác mọi thời đại của các danh hoạ như: Charles Le Brun, Jan Van Eyck, Rogier van der Weyden, Robert Campin, Piero della Francesca, Andrea Mantegna, Sandro Botticelli, Leonardo de Vinci, Raphael, Giorgione, Titian, Paolo Veronese, Caravaggio, Peter Paul Rubens, Johannes Vermeer…
3. L’abstraction : trường phái trừu tượng
Trong suốt những năm đầu của thế kỷ 20, trường phái trừu tượng đã trở thành một trào lưu thống trị thế giới. Trường phái này đã đi ngược lại hoàn toàn với quan niệm truyền thống rằng: nghệ thuật là sự mô phỏng thế giới tự nhiên.
Với tranh trường phái trừu tượng, nội dung bức tranh sẽ được thể hiện một cách tự do, phóng khoáng theo cảm nhận và tư duy riêng của mỗi họa sĩ bằng sự kết hợp độc đáo của nhiều hình khối, đường nét, màu sắc.
Những tác giả tiêu biểu của trường phái có thể kể đến như : Gerhard Richter, Zao Wou Ki, Cy Twombly, Julie Mehretu, John Olsen, Jean-Marc Bustamante, John Armleder, Frank Stella, Joan Mitchell, Christian Bonnefoi…
4. Le romantisme : trường phái lãng mạn
Cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, trường phái Lãng mạn nhanh chóng lan truyền khắp Châu Âu và nước Mỹ và thử thách những tư tưởng chính thống đã ăn sâu trong thời kỳ Khai sáng.
Những nghệ sĩ nhấn mạnh rằng giác quan và cảm xúc – không chỉ đơn giản là nguyên nhân và thứ tự – là những phương tiện quan trọng không kém phần những hiểu biết và trải nghiệm về thế giới. Trường phái Lãng mạn tôn vinh trí tưởng tượng và trực giác cá nhân trong hành trình bền bỉ tìm kiếm quyền và tự do cá nhân.
Các tác giả nổi tiếng : Eugène Delacroix, Henry Fuseli, William Blake, Antoine Jean Gros, Francisco Goya, Jean-Auguste-Dominique Ingres, Caspar David Friedrich, Theodore Gericault…
5. Le surréalisme : trường phái siêu thực
Trường phái siêu thực nhấn mạnh đến sức mạnh của trí tuệ khi tạo ra những tác phẩm có ý nghĩa. Chủ thể rất bình dị được đặt trong phông màn bí ẩn, hùng vĩ làm bức tranh có ý nghĩa mới với trạng thái không thực.
Trường phái Siêu thực bắt nguồn từ chủ nghĩa Siêu thực, một trào lưu văn học và nghệ thuật ở thế kỷ 20, bắt đầu ở Paris và được nhà thơ người Pháp André Breton viết tuyên ngôn vào năm 1924. Chủ nghĩa siêu thực cố gắng diễn tả tiềm thức bằng các trình bày các vật thể và sự việc như được thấy trong những giấc mơ. Siêu thực là một khuynh hướng nghệ thuật lớn bao trùm nhiều loại hình của nghệ thuật.
Một số danh họa tiêu biểu : René Magritte, Salvador Dalí, Yves Tanguy, Joan Miró, Giuseppe Arcimboldo, André Masson…
6. Le pointillisme : trường phái chấm họa
Pointillisme là một phong trào được khởi xướng bởi hai nhà tiên phong Georges Seurat và Paul Signac cuối thế kỷ XIX. Trường phái chấm họa/điểm họa sở dĩ có cái tên như vậy vì nét vẽ đặc trưng cùng lối chơi màu khoa học. Các họa sĩ Pointillisme vận dụng hiệu quả các nguyên lý trong thuyết màu sắc để tạo nên hiệu ứng kết hợp nhiều điểm màu để tạo nên sự nhận thức về một màu tổng thể.
Những danh họa nổi tiếng của trường phái này: Paul Signac, Georges Seurat, Van Gogh, Gauguin, Matisse, Lautrec…
7. Le cubisme : trường phái lập thể
Chủ nghĩa lập thể là trường phái hội họa đã tạo ra cuộc cách mạng hội họa và điêu khắc châu Âu vào đầu thế kỷ XX. Trường phái lập thể được sáng lập bởi Pablo Picasso và Georges Braque tại Paris từ 1907 đến 1920.
Phong cách Lập thể nhấn mạnh vào hình phẳng 2D, loại bỏ những kỹ thuật biểu hiện truyền thống về phối cảnh và bác bỏ lý thuyết nghệ thuật bấy lâu vốn đề cao sự bắt chước tự nhiên. Những họa sĩ của trường phái này không bị ràng buộc bởi việc sao chép hình dáng, cấu trúc bề mặt, màu sắc hay không gian, mà họ đem đến cho người xem một dạng thức mới, đối tượng miêu tả được phân thành nhiều mảng với nhiều diện từ nhiều góc độ được biểu hiện cùng một lúc.
Các họa sĩ lập thể nổi tiếng của trường phái này là: Juan Gris, Georges Braque, Marcel Duchamp, Pablo Picasso, Liubov Popova, Marie Vassilieff, Fritz Wotruba…
– Ánh Tuyết –
Copyright © 2019 – All Rights Reserved. FI CLASSE