15 tác phẩm kinh điển của văn học Pháp nhất định phải đọc
15 classiques de la littérature française à lire absolument
Nhắc đến Pháp, ta thường nghĩ đến những công trình kiến trúc cổ kính, những món ăn tinh tế, những con người lịch thiệp. Một trong những điểm không thể thiếu nữa của Pháp, đó chính là nền văn học lâu đời. Pháp được coi như cái nôi của nền văn học Thế giới, nơi đây đã sản sinh ra những đại thi hào của Thế giới và những trường phái nghệ thuật tiêu biểu…
Trong bài viết này, Fi sẽ giới thiệu tới các bạn 15 tác phẩm kinh điển của nền văn học Pháp, những tác phẩm xuất sắc này đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho hàng trăm tác phẩm điện ảnh, nhạc kịch, phim truyền hình và ca khúc ở nhiều quốc gia trên thế giới.
1. Le Petit Prince (Hoàng tử bé) – Antoine de Saint-Exupéry
Được xuất bản năm 1943 tại Mỹ và 1946 tại Pháp, “Hoàng tử bé” là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry. Cuốn sách chứa đựng nhiều bài học và triết lý về nghệ thuật sống, tình yêu, bản chất của con người, các tính xấu, những suy ngẫm về thế giới xung quanh ta… Sách Hoàng Tử Bé được bình chọn là cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 tại Pháp, đến nay tác phẩm đã được dịch sang gần 300 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới.
2. L’Étranger (Người xa lạ) – Albert Camus
“Người Xa Lạ” của Albert Camus là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho triết học hiện sinh. Tiểu thuyết khắc họa chân dung nhân vật Meursault trong khoảng thời gian kể từ ngày mẹ của Meursault chết ở trại tế bần cho đến gần cái chết của chính anh ta. Cuốn tiểu thuyết đã gợi lên nhiều câu hỏi về giá trị sống của con người khiến ta không khỏi day dứt: Liệu có nên sống một cuộc đời phi lý?
3. Les misérables (Những người khốn khổ) – Victor Hugo
“Những người khốn khổ” là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19. Trong kiệt tác, nhân vật chính được tác giả đặt ngòi bút nhiều nhất là Jean Valjean. Đây là hiện thân cho những xung đột thiện và ác rất đỗi bình thường bởi cuộc chiến giằng xé giữa một bên tôn trọng pháp luật và một bên đạo lý con người.
4. Le Comte de Monte-Cristo (Bá tước Monte Cristo) – Alexandre Dumas
“Bá tước Monte Cristo” là cuốn tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng nhất của nhà văn người Pháp – Alexandre Dumas. Đây là một câu chuyện tuyệt vời về tình yêu, lòng thù hận và sự vị tha. Bốn chữ: HI VỌNG và CHỜ ĐỢI chính là bài học cuộc sống mà tác phẩm dành tặng cho độc giả.
5. Les Trois Mousquetaires (Ba chàng lính ngự lâm) – Alexandre Dumas
“Ba chàng lính ngự lâm” là câu chuyện mở đầu trong bộ ba truyện Les trois Mousquetaires (Ba người lính ngự lâm), Vingt ans après (hai mươi năm sau) và Le Vicomte de Bragelonne (tử tước de Bragelonne).
Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh là xã hội quý tộc vua chúa đầy âm mưu cả chính trị và tình ái đan xen của cung đình nước Pháp thế kỷ XVII. Nổi bật lên trên cả các bậc vua chúa đó, Dumas đặt nhân vật d’Artagnan và ba người lính ngự lâm vào trung tâm của mọi sự kiện và là những người hóa giải mọi âm mưu.
6. L’Écume des jours (Bọt tháng ngày) – Boris Vian
Với “Bọt Tháng Ngày”, Boris Vian đã tạo tác một vũ trụ vượt mọi khuôn khổ vật lý, một thế giới bồng bềnh lấp lánh nơi chuột biết nói, nắng biết thẹn thùng, đàn piano biết pha cocktail và người đàn ông có thể già đi mười tuổi chỉ trong một tuần lễ. “Bọt Tháng Ngày”, tuy thế, chưa bao giờ là một câu chuyện cổ tích; ta tìm thấy trong vòm trời siêu thực của Vian nổi bật hơn hết thảy một chuyện tình thơ mộng mà đắng cay, những bài học cuộc sống chua chát, những bi kịch mỉa mai không lối thoát của phận người bèo bọt…
7. Notre-Dame de Paris (Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà) – Victor Hugo
Trái tim đôi khi vì yêu, vì hận mà mù quáng vô cùng… Và đó cũng là mối tình si đầy thống khổ của chàng gù Quasimodo trong tuyệt phẩm “Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo. Ra mắt vào năm 1831, cuốn tiểu thuyết đã nhanh chóng tạo nên tiếng vang và trở thành một kiệt tác xuất sắc, bất hủ. Tầm ảnh hưởng của tác phẩm không chỉ nằm ở phạm vi văn học mà tác phẩm của đại văn hào Victor Hugo đã được chuyển thể sang sân khấu opera, ballet, kịch nói, nhạc kịch và hơn 15 phiên bản điện ảnh, từ truyền hình cho tới hoạt hình.
8. Le Dernier Jour d’un condamné (Ngày cuối cùng của một tử tù) – Victor Hugo
“Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tù” là cuốn sách khá thành công đến từ ngòi bút của nhà văn Victor Hugo. Ông là người có sức ảnh hưởng to lớn đối với nền văn học Pháp nói riêng và văn học thế giới nói chung. “Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tù” đơn giản là một đoạn hồi ký của một nhân vật xưng “tôi” không tên tuổi, không lai lịch. Chẳng ai biết lý do tại sao anh ta bị tống vào tù với một án phạt không ai mong muốn – án tử.
9. Vingt Mille Lieues sous les mers (Hai vạn dặm dưới đáy biển) – Jules Verne
“Hai vạn dặm dưới đáy biển” là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng hiện đại nổi tiếng của tác giả Jules Gabriel Verne. Đến với cuốn tiểu thuyết này người đọc sẽ phải sửng sốt trước những kì quan dưới đáy biển mà tác giả miêu tả qua ô cửa phòng khách của thuyền trưởng Nê-mô trên chiếc tàu ngầm Nau-ti-lux. Cuốn sách không chỉ dành cho lứa tuổi thiếu nhi mà còn dành cho mọi thế hệ người đọc.
10. L’Avare (Lão hà tiện) – Molière
“Lão Hà Tiện” là một tác phẩm hài kịch đặc sắc nổi bật của tác giả Molière, một nhà hài kịch người Pháp, người được mệnh danh là “người hề vĩ đại” trong nền văn học Pháp, không những nổi danh ở đất nước mẹ đẻ của mình, Molière còn là niềm kiêu hãnh của cả lịch sử sân khấu thế giới. Tác phẩm của ông mang tính hiện thực sâu sắc, đến nay vẫn được nhân dân thế giới yêu thích và được giảng dạy trong các trường học, được biểu diễn trên sân khấu, chiếu trên màn ảnh của nhiều nước.
11. L’homme qui rit (Thằng Cười) – Victor Hugo
Bộ tiểu thuyết Thằng cười của Victor Hugo đưa chúng ta đến với nước Anh của thế kỷ XVII, chủ yếu dưới các triều đại của dòng họ Xtiua. Giắc II và Annơ Xtiua. Victor Hugo đã đưa vào Thằng cười không biết bao nhiêu chi tiết lịch sử có thật của nước Anh thời bấy giờ với tên tuổi các ông vua, các nữ hoàng, nữ công tước, các vị nguyên lão, miêu tả tỉ mỉ chốn cung điện, các nghi thức triều đình… với một bút pháp độc đáo tài tình.
12. La Comédie humaine (Tấn trò đời) – Honoré de Balzac
“Tấn trò đời” tập hợp toàn bộ tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn của văn hào Honoré de Balzac (1799-1850), gồm trên 90 tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một đơn vị hoàn chỉnh, độc lập, có thể đọc riêng rẽ, đồng thời là bộ phận của một tổng thể toàn vẹn và duy nhất.
Với phát kiến “nhân vật tái hiện”, Balzac miêu tả nhân vật trong nhiều mối quan hệ phức tạp, trong tính đa dạng và sự vận động. Cuộc sống của nhân vật không kết thúc cùng với sự kết thúc xung đột mà còn tiếp tục, với nhiều thắng lợi hay thất bại, trong những mối quan hệ khác. Theo dõi nhân vật qua nhiều tác phẩm, độc giả sẽ không bị giới hạn trong cảm thụ thẩm mỹ, sẽ cảm nhận được ba chiều không gian và cả chiều sâu thời gian của Tấn trò đời.
13. À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất) – Marcel Proust
“Đi tìm thời gian đã mất” được bình chọn là một trong 10 tiểu thuyết được yêu thích nhất thế kỷ 20 và được tạp chí Times xếp thứ tám trong 10 cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời. Tác giả của bộ sách được coi là một trong ba tiểu thuyết gia xuất sắc mọi thời đại. “Đi tìm thời gian đã mất” là tác phẩm làm nên cuộc cách mạng văn chương Pháp đầu thế kỷ XX. Dù tác phẩm được ưa thích hay không, nó luôn được lấy làm điểm quy chiếu: có một cách viết tiểu thuyết, cách đọc tiểu thuyết trước và sau Proust.
14. Madame Bovary (Bà Bovary) – Gustave Flaubert
Gustave Flaubert là một trong những cái tên tiêu biểu của văn học hiện thực Pháp thế kỷ 19. Tác phẩm “Bà Bovary” của ông được xuất bản năm 1856 vừa khắc họa sâu sắc giấc mộng lãng mạn thời ấy vừa thể hiện cảnh điêu tàn của nó khi bị hiện thực vùi dập. Giống như một bản nhạc bay bổng, “Bà Bovary” đưa người đọc vào tâm hồn đầy thi ca lãng mạn của người Pháp và những nét văn hóa đặc sắc thế kỷ 19.
15. Le Rouge et le Noir (Đỏ và Đen) – Stendhal
“Đỏ và đen” là tiểu thuyết đầu tay của Stendhal, được xuất bản vào năm 1830. Tiểu thuyết được viết vào năm 1830, mô tả về những nỗ lực của một người thanh niên trẻ vượt lên khỏi tầng lớp xã hội dưới của bản thân nhờ tài năng, làm việc chăm chỉ, mánh khóe và đạo đức giả, chỉ tìm thấy chính mình khi bị phản bội bởi chính người người yêu của anh ta. Nói cuốn sách này là một tác phẩm kinh điển thì quả không ngoa chút nào. Bởi nó hội tụ rất nhiều triết lý sâu xa, hài hước và châm biếm nhiều tầng nghĩa, những suy tư về tôn giáo, xã hội, con người…
Bạn hứng thú với tác phẩm nào nhất? Tìm đọc ngay để mở mang thêm vốn hiểu biết của bản thân về văn hóa và đời sống Pháp nhé! Những bạn tiếng Pháp khá hơn thì hãy thử tập đọc bằng bản tiếng Pháp xem sao.
Xem thêm Những việc mà bạn nào học giỏi ngoại ngữ cũng đã từng làm để áp dụng cho bản thân mình nhé!
– Thanh Ngân –