38 ngõ 495 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

10 phong tục người Việt Nam vào Tết Nguyên Đán


10 coutumes vietnamiennes dans le Têt traditionnel

Tết Nguyên Đán là có thể nói là ngày lễ quan trọng nhất trong năm đối với người Việt. Trong dịp này, chúng ta có rất nhiều phong tục truyền thống thú vị. Tuy nhiên, các bạn đã hiểu hết ý nghĩa của những phong tục này chưa? Nếu chưa thì ngồi xuống để Fi kể cho mà nghe nha.

1. Nettoyer et décorer la maison – Dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa

Vào những ngày giáp Tết, các gia đình ở Việt Nam đều dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đồ vật sạch sẽ trong những ngày cuối năm với mong muốn sắp xếp lại mọi thứ, xóa bỏ những điều không tốt của năm cũ để chuẩn bị đón chào năm mới với nhiều tài lộc và may mắn hơn.

2. Confectionner les «bánh chưng, bánh tét » – Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng là món ăn truyền thống có từ thời vua Hùng và không thể thiếu trong những ngày Tết đối với người miền Bắc. Các gia đình thường gói bánh chưng từ những ngày 27, 28, 29 Tết, đây cũng là một món quà biếu ý nghĩa cho họ hàng và bạn bè trong dịp này. Còn đối với người miền Nam, món ăn không thể thiếu của họ chính là bánh tét.

3. Le  culte des ancêtres – Cúng tổ tiên

Các gia đình tại Việt Nam thường làm mâm cơm thắp hương mời thần linh, gia tiên về ăn tết cùng gia đình vào chiều 30 Tết, đồng thời để kết thúc một năm cũ và chuẩn bị đón chào năm mới.

4. Le premier invité qui compte – Xông nhà

Theo quan niệm truyền thống, người bước vào nhà gia chủ đầu tiên sau thời điểm giao thừa với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất. Gia chủ thường chọn người xông đất là người hợp tuổi, thành đạt, tốt tính… với quan niệm rằng trong ngày mùng 1 Tết nếu được người có vận khí tốt đến xông nhà thì cả năm mọi việc sẽ may mắn, suôn sẻ.

5. Casser une petite branche d’arbre – Hái lộc

Hái lộc đầu năm là việc bẻ cành cây (hay còn gọi là cành lộc) sau đó mang về nhà, cầu mong cho những điều may mắn, tốt đẹp sẽ xảy đến. “Lộc” là những cành đa, cành đề, cành si nhỏ ,… Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt. Hái lộc thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết.

6. Donner de l’argent de chance – Mừng tuổi, lì xì

Con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi những đồng tiền mới đựng trong phong bao lì xì màu đỏ, tượng trưng cho sự may. Tiền mừng tuổi không quan trọng ở số tiền nhiều hay ít mà quan trọng ở ý nghĩa.  Kèm theo phong bao lì xì là những lời chúc tốt đẹp mong các con cháu hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, luôn vui vẻ, hạnh phúc.

7. Acheter du sel – Mua muối

Từ xa xưa cha ông ta đã có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” nhằm nói về tập tục trong năm mới. Vào ngày đầu tiên của năm mới, thậm chí ngay sau khi thời khắc giao thừa kết thúc, nhiều người có thói quen mua muối mang về nhà để lấy may mắn cho cả năm, mong muốn về cuộc sống ấm no. Còn trong ngày cuối năm, người ta mua vôi để quét lại nhà, cổng với hy vọng tránh được những điều xui rủi hay ngụ ý làm nhà làm cửa.

8. Se rendre visite aux proches – Đi thăm họ hàng

Người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè trong những ngày Tết. Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy. Họ thường lấy dịp này để nhớ về những người đã sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ mình.

9. Aller aux temples et pagodes – Đi lễ đình, chùa

Phong tục đi lễ chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.

10. Demander des lettres graphiques – Xin chữ

Từ bao lâu nay, người Việt có thói quen xin chữ vào những ngày đầu tiên của năm mới. Đây là một phong tục mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa trọng tri thức của người Việt, đồng thời cũng để cầu may mắn, tài lộc, phúc thọ đầy nhà trong năm mới. Những chữ được xin thường là chữ Tâm, Phúc, Đức, An, Lộc, Thọ, Phát…

– Ánh Tuyết –